THCL - Trong quá trình được giao điều hành Trường ĐH Điện lực (năm 2015), ông Trương Huy Hoàng (Tân hiệu trưởng ĐH Điện lực) đã ký hàng loạt văn bản “lạ”, thậm chí ký Quyết định bổ nhiệm cho chính mình, khiến dư luận vô cùng khó hiểu…
Quyết định tự bổ nhiệm chính mình của ông Trương Huy Hoàng,Tân Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực
Đầu năm 2015, khi ông Đàm Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực đột ngột tử vong, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 372 giao cho ông Trương Huy Hoàng, Phó hiệu trưởng phụ trách quản lý, điều hành nhà trường từ thời điểm 28/4/2015.
Theo đó, ông Trương Huy Hoàng là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực, được giao điều hành quản lý nhà trường trong khi trường chưa có hiệu trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành (năm 2015), ông Hoàng đã ký hàng loạt văn bản lạ khiến cán bộ, nhân viên trường này không hiểu chức danh thực của ông Trương Huy Hoàng là gì?
Đơn cử, ký Quyết định số 892/QĐ-ĐHĐL ngày 26/8/2015 về việc công nhận Danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2014 - 2015; Quyết định số 894 về việc tặng Danh hiệu tập thể lao động tiên tiến năm học 2014 - 2015 và hàng loạt văn bản khác, ông Trương Huy Hoàng đều ký với chức danh "Hiệu trưởng phụ trách"…
Đặc biệt, ngày 29/6/2015, ông Trương Huy Hoàng đã ký Quyết định số 606/QĐ- ĐHĐL về việc bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ năng lượng. Tại quyết định này, ông Trương Huy Hoàng tự bổ nhiệm bản thân giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ năng lượng.
Đáng nói, thời điểm ông Hoàng ký hàng loạt văn bản với chức danh lạ (năm 2015), cũng chính là thời điểm phát sinh hàng loạt sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo, thu - chi tài chính tại Trường ĐH Điện lực (theo Kết luận thanh tra của Bộ Công thương).
Đặc biệt hơn, khi Trường ĐH Điện lực đang chờ Kết luận thanh tra từ phía Bộ Công thương, thì ông Trương Huy Hoàng đã được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường này một cách... “thần tốc”?
Cụ thể, ngày 3/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ra Quyết định số 800/QĐ-BCT về việc thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, đại học, thạc sỹ; liên kết đào tạo; quản lý thu, chi học phí tại Trường ĐH Điện lực. Việc thanh tra Trường ĐH Điện lực, đã được Đoàn thanh tra của Bộ Công thương thực hiện từ ngày 17/3/2016 và kết thúc vào ngày 24/5/2016.
Ông Trương Huy Hoàng phát biểu tại Lễ Công bố Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực (http://www.epu.edu.vn)
Tuy nhiên, khi đang chờ Kết luận thanh tra, thì tháng 7/2016, ông Hoàng đã "đường đường chính chính" là Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực (theo Quyết định số 2843/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương).
Đến ngày 16/9/2016, Bộ Công thương chính thức có Kết luận thanh tra về những sai phạm tại Trường ĐH Điện lực. Trong đó, có nêu rõ về những sai phạm của Ban giám hiệu và các phòng, ban của trường.
Như vậy, ông Trương Huy Hoàng đã được bổ nhiệm sau khi việc thanh tra Trường ĐH Điện lực kết thúc chưa đầy 2 tháng. Và hơn 2 tháng, cũng là khoảng thời gian từ lúc ông Hoàng chính thức là Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực đến khi có kết luận cuối cùng của Bộ Công thương.
Trao đổi với báo giới, Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng (Giám đốc Công ty Luật Hợp danh V.I.P) cho biết: "Việc bổ nhiệm Hiệu trưởng ĐH Điện lực phải theo Luật Cán bộ, Công chức và Quyết định 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ".
Theo đó, nếu chiếu theo Quyết định 27/2003/QĐ-TTg “Về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo” thì việc Bộ Công thương bổ nhiệm ông Trương Huy Hoàng làm Hiệu trưởng ĐH Điện lực là không sai.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng, tại Khoản 5; Điều 6 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg quy định điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo: “Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức”.
Trong thời điểm được bổ nhiệm, ông Trương Huy Hoàng không bị kỷ luật thì hoàn toàn có thể được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, theo Khoản 3; Điều 82 Luật Cán bộ, Công chức 2008: “Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc”.
Nếu hiểu theo nghĩa “bị xem xét kỷ luật” được tính cả quá trình thanh tra và chờ kết luận thanh tra thì việc bổ nhiệm ông Trương Huy Hoàng làm hiệu trưởng ĐH Điện lực là điều đáng phải bàn.
Việc "bị xem xét kỷ luật" được quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP, có thể được tính từ khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Khoản 2; Điều 6 Nghị định34/2011/NĐ-CP quy định: "Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 nghị định này, phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật".
Theo kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT của Bộ Công thương, với Hiệu trưởng ĐH Điện lực (ông Hoàng thực sự nắm giữ vai trò này từ tháng đầu tháng 5/2015) đã có hàng loạt sai phạm. Đầu tiên là việc thiếu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý tài chính. Hiệu trưởng ĐH Điện lực cũng là người trực tiếp phê duyệt, giao cho các đơn vị là đầu mối quản lý đào tạo và ký các hợp đồng liên kết đào tạo không đảm bảo điểu kiện, thiếu kiểm soát. Việc này là một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai phạm nêu trên; Hiệu trưởng ĐH Điện lực đã ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo và sau đó lại ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứ phát triển công nghệ năng lượng và Mội trường quản lý các lớp học, theo dõi thực hiện hợp đồng, trong khi Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng quản lý, chủ tài khoản của Trung tâm là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Các sai phạm tiếp theo là báo cáo sai lệch về số liệu quy bô đào tạo, đội ngũ, cơ sở vật chất để xác định chỉ tiêu tuyển sinh; không trung thực trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Xác định tỉ lệ phần trăm khác nhau khi ký kết hợp đồng liên kết không có cơ sở; phê duyệt cho một số đơn vị được để lại tiền học phí để tự chi tiêu là không đảm bảo nguyên tắc quản lý tài chính. Thiếu chặt chẽ trong quản lý, để một bộ phận viên chức của trường tham gia quản lý điều hành cho đơn vị ngoài trong một thời gian dài mà không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Ban hành quy chế nội bộ có một số nội dung không đảm bảo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nội dung không theo quy chế đề ra… |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc