Một phần của dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội)
Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (Dự án Đại Thanh - PV) địa chỉ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có nguồn gốc là đất do Sở Địa chính Nhà đất (nay là Sở TN&MT) ký 02 hợp đồng cho thuê đất với Công ty gốm xây dựng Đại Thanh (Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại Thanh) từ năm 2000.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa được ban hành mới đây, các cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất (tính đến ngày 31/12/2014 là 7.166 tỷ đồng).
Đặc biệt, đến thời điểm thanh tra, dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra đối với sai phạm của dự án Đại Thanh
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan Công an điều tra vụ việc tại dự án Đại Thanh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội;
Đối với các bên tham gia dự án (các doanh nghiệp làm chủ đầu tư) đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…) trong quá trình thực hiện dự án.
Vậy, những doanh nghiệp nào đang nằm trong “tầm ngắm” bị kiến nghị khởi tố hình sự vì vi phạm nghiêm trọng Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản?
Theo Kết luận Thanh tra của UBND TP. Hà Nội (năm 2013) nêu rõ:
1. Công ty CP Đầu tư Hải Phát
Công ty CP Đầu tư Hải Phát (đại diện liên danh) chưa thực hiện trình UBND Thành phố phê duyệt dự án đầu tư, chưa làm thủ tục để UBND Thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, thực hiện dự án nhưng đã ký 02 hợp đồng chuyển nhượng góp vốn đầu tư cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 01 tỉnh Điện Biên để thực hiện dự án Đại Thanh.
Ông Phạm Minh Tuấn – Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Ảnh: haiphat.com.vn)
Cho đến thời điểm thanh tra, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là đơn vị đầu tư 100% vốn để triển khai dự án.
Bản chất của hợp đồng chuyển nhượng góp vốn đầu tư giữa Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chuyển nhượng dự án, thay đổi chủ đầu.
Tuy nhiên, Công ty Hải Phát đã không thực hiện đúng quy định tại Điều 66, Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 153/2007/NĐ-CP.
2. Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên
Đối với dự án Đại Thanh, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên có nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, sau khi nhận chuyển nhượng dự án, doanh nghiệp này không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, không tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án.
Tuy nhiên, vào tháng 03/2012, doanh nghiệp này đã tiến hành khởi công xây dựng công trình, tháng 5/2012, mở bán các sản phẩm bất động sản.
Trong đó, có hơn 2.100 căn hộ chung cư, biệt thự và căn hộ liền kề nhưng không đăng ký qua sàn giao dịch bất động sản, với tổng doanh thu kê khai lên đến hơn 769 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng dự án, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên còn ngang nhiên xây dựng vượt tầng, sai phạm so với quy hoạch được duyệt.
Cụ thể, tại các khu đất có vị trí dọc tuyến đường Phan Trọng Tuệ được bố trí khối công trình hỗn hợp cao nhất là 29 tầng. Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư đã cho xây 06 khối nhà cao 32 tầng (không kể tầng hầm).
Đối với đất nhóm nhà ở thấp tầng, theo Quyết định 1066/QĐ-UB và Quyết định số 1067/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, tầng cao công trình là 03 tầng nhưng thực tế, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên cho xây dựng 23 căn nhà cao 05 tầng.
Do thủ tục dự án chưa đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật nên các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa doanh nghiệp với khách hàng không đủ cơ sở pháp lý, từ đó các khách hàng mua căn hộ chung cư, biệt thự không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, khi các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, cả Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên không phối hợp, không cung cấp đầy đủ các hồ sơ.
Đây cũng là biểu hiện của sự coi thường cơ quan quản lý, thách thức pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên.
3. Công ty CP Xây dựng thương mại Đại Thanh
Diện tích đất thực hiện dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì do Công ty CP sản xuất thương mại Đại Thanh (gọi tắt là Công ty Đại Thanh) ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính – Nhà đất (nay là Sở TN&MT) từ năm 2000.
Tuy nhiên, Công ty CP sản xuất nhưng Công ty Đại Thanh không chấp hành nộp nghĩa vụ tài chính về tiền thuế đất cho Ngân sách Nhà nước đến tháng 8/2013 là 28.910.359.466 đồng – vi phạm Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
Thông tư 120/2005/TT-BTC ngày 30/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, những việc làm trên của các doanh nghiệp liên quan đến thực hiện dự án Đại Thanh tại xã Tả Thanh Oai là vi phạm nghiêm trọng Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản.
Từ những sai phạm như nêu trên, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Cơ quan Công an vào cuộc để xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp tham gia dự án (cụ thể là Công ty Hải Phát, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, Công ty Đại Thanh).
Tuấn Ngọc