THCL - Các doanh nghiệp, chủ đầu tư và hàng loạt nhà thầu liên quan... sẽ khó tránh khỏi trách nhiệm, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra về những sai phạm tại dự án Đại Thanh. Song về mặt quản lý, những sở, ngành, cá nhân... nào sẽ phải đối diện với cơ quan pháp luật?
Trong bài bài báo này, Thương hiệu & Công luận sẽ điểm lại hàng loạt sai phạm của các sở, ngành... được Thanh tra TP. Hà Nội "chỉ mặt, đặt tên" tại Báo cáo thanh tra số: 2540/BC-TTCP (P4) ngày 30/9/2013.
Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra sai phạm nghiêm trọng tại dự án Đại Thanh
Gây thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng, Sở TN&MT có vô can?
Theo kết luận, UBND TP. Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu, nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất (tính đến ngày 31/12/2014 là 7.166 tỷ đồng).
Dự án xây dựng Đại Thanh đến thời điểm thanh tra chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.
Trên cơ sở những sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc vì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội. Vậy những cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Báo cáo thanh tra của UBND TP. Hà Nội (năm 2013) nêu rõ: Trách nhiệm hàng đầu thuộc về Sở TN&MT
Để trả lời câu hỏi trên, có thể thấy rất rõ tại Báo cáo thanh tra của UBND TP. Hà Nội năm 2013. Trong báo cáo này, đã chỉ ra trách nhiệm của Sở TN&MT và ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở giai đoạn này sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Tại dự án Đại Thanh, chủ đầu đã nộp hồ sơ từ năm 2011. Đến tháng 7/2011, Sở TN&MT đã gửi Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế Hà Nội, UBND huyện Thanh Trị đề nghị tham gia ý kiến thẩm định.
Sau đó, các sở, ngành và UBND huyện Thanh Trì đã có văn bản gửi Sở TN&MT, nhưng sở này nhận các ý kiến rồi… “ngâm cứu” suốt nhiều năm sau đó, không thông báo kết quả cho chủ đầu tư để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án, chưa làm hết trách nhiệm, chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, chưa kịp thời hướng dẫn, yêu cầu đơn vị bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo quy định, vi phạm Điều 10, Quyết định 02/2010/QĐ-UB ngày 18/1/2010 của UBND Thành phố".
Vậy, sự chậm trễ này là vô tình hay có chủ định? Phải chăng - đó là một kiểu “hành” doanh nghiệp để thêm rào cản rườm rà, chi phí cho các thủ tục hay là một sự lãng quên, một kiểu vận dụng tùy tiện bất chấp pháp luật?
Thắc mắc lớn nhất là: Tại sao những sai phạm của dự án, vẫn tiếp tục kéo dài cho đến nay? Ai đã bao che để Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên liên tục vi phạm pháp luật về xây dựng? Tại sao không có lãnh đạo sở, ngành nào của Hà Nội bị xử lý? Và ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở TN&MT có vô can, khi không hề có biện pháp ngăn chặn những vi phạm sau đó của các nhà đầu tư dẫn tới việc thất thoát tài sản của Nhà nước lên tới hơn 7.000 tỷ đồng; Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị khởi tố hình sự vụ án?
Sai phạm này, không chỉ thuộc về Sở TN&MT, thời kỳ trước tháng 9/2013, mà ngay cả Giám đốc đương nhiệm, ông Nguyễn Trọng Đông - người đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 9/2013 đến nay, đã buông lỏng trách nhiệm, khiến sai phạm kéo dài, cùng hàng loạt hệ lụy pháp lý khác?
Một số sở, ngành... khó thoái thác trách nhiệm!
Sau Sở TN&MT, phải kể đến trách nhiệm của Sở Xây dựng. Tại báo cáo thanh tra của UBND TP. Hà Nội (năm 2013) nêu rõ:
"Từ tháng 10/2012 đến tháng 1/2013, sở này có 3 văn bản yêu cầu các doanh nghiệp làm việc về quá trình thực hiện dự án và kiểm tra hoạt động sàn giao dịch bất động sản, nhưng các doanh nghiệp đều có công văn xin hoãn lịch làm việc.
Sở Xây dựng thiếu biện pháp kiên quyết tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý ngành hoặc báo cáo UBND Thành phố xử lý dẫn đến để tồn tại một dự án chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa giao đất đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án, xây dựng công trình sai quy hoạch được phê duyệt, bán sản phẩm cho khách hàng không thông qua sàn giao dịch bất động sản – vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài không bị phát hiện, xử lý.
Theo đó, cơ quan thanh tra kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo: Kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Sở Xây dựng vì buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến để tồn tại một dự án phát triển nhà ở có nhiều vi phạm trên địa bàn thành phố".
Khi cơ quan điều tra vào cuộc, những vị lãnh đạo đầu ngành về đất đai, xây dựng sẽ khó thoát trách nhiệm
Như vậy, để dẫn tới sai phạm nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm tại dự án Đại Thanh, không thể thiếu phần trách nhiệm của người đứng đầu ngành xây dựng. Bởi một thực tế hiện hữu dó là mỗi khi người dân Thủ đô xây một bức tường rào, sửa một bậc cầu thang... là lập tức có thanh tra xây dựng đến... "hỏi thăm", trong khi đó, 6 khối nhà cao hơn 30 tầng của dự án Đại Thanh lại... vô tư mọc lên suốt mấy năm trời, không bị phát hiện, xử lý?
Báo cáo cũng nêu rõ:
"UBND huyện Thanh Trì chưa kịp thời hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác GPMB, chưa trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB, còn thụ động chờ đơn vị báo cáo, hoàn thiện hồ sơ.
Trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai đối với dự án Đại Thanh còn buông lỏng công tác quản lý: Khi dự án vi phạm huyện không kiên quyết xử lý, báo cáo, đề xuất những biện pháp giải quyết đối với sai phạm của chủ đầu tư. Tháng 6/2013, khi Thanh tra thành phố làm việc và dự án đã xây dựng xong với số lượng lớn các hạng mục công trình, bán sản phẩm bất động sản cho khách hàng thì UBND huyện mới có văn bản báo cáo UBND thành phố về việc quản lý sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án".
Trước những sai phạm được nêu thanh tra thành phố nêu trên thì những lãnh đạo, cá nhân của Sở Xây dựng, UBND huyện Thanh Trì (tại thời điểm xảy ra sai phạm) sẽ khó tránh khỏi trách nhiệm.
Việc cơ quan công an điều tra dự án Đại Thanh theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ chỉ là “chuyện một sớm, một chiều”.
Liệu rằng, với lòng tự trọng của mình, những vị lãnh đạo đầu ngành ở địa phương, những ngành mũi nhọn liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch... đã trót “nhúng chàm” ở dự án Đại Thanh có tự nhận trách nhiệm - thành khẩn trước pháp luật...?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc