Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Sau hàng loạt sai phạm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank bất ngờ “gom” 10.000 cổ phiếu VCB

Trong khi hàng loạt sai phạm tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank-VCB) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố thì ngày 2/1/2018, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank bất ngờ chi hơn nửa tỷ đồng để mua vào 10.000 cổ phiếu VCB. Dự kiến, sau khi thực hiện giao dịch, ông Thành sẽ sở hữu 49.025 cổ phiếu, tương đương 0,00136%.

Cụ thể, ngày 2/1/2018, ông Nghiêm Xuân Thành đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam thông báo giao dịch cổ phiếu người nội bộ Vietcombank.

Cụ thể, ông Nghiêm Xuân Thành đăng ký mua vào 10.000 cổ phiếu VCB nhằm mục đích đầu tư cá nhân, phương thức giao dịch là khớp lệnh, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 05/01/2018 đến ngày 03/02/2018. Trước khi thực hiện giao dịch, ông Thành sở hữu 39.025 cổ phiếu VCB, tương đương tỷ lệ 0,00108%. Dự kiến, tỷ lệ sau khi thực hiện giao dịch tăng lên 49.025 cổ phiếu, tương đương 0,00136%.

Sau hàng loạt sai phạm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank bất ngờ “gom” 10.000 cổ phiếu VCB - Hình 1

Ông Nghiêm Xuân Thành đăng ký mua thêm 10.000 cổ phiếu VCB của Vietcombank

Thời gian qua, cổ phiếu VCB vẫn không ngừng tăng giá. Kết thúc phiên ngày 02/01/2018, mỗi cổ phiếu VCB có giá 55.000 đồng. Sau khi ​ông Nghiêm Xuân Thành đăng ký mua thêm 10.000 cổ phiếu VCB của Vietcombank thì ước tính, Chủ tịch HĐQT nhà băng này sẽ phải chi khoảng nửa tỷ đồng để hoàn thành mục đích mua vào cổ phiếu.

Như vậy, 3 năm liên tiếp việc gom mua cổ phiếu VCB được ông Thành thực hiện mỗi năm một lần vào dịp đầu năm, cùng với số lượng 10.000 cổ phiếu. Cụ thể, năm trước ông Thành mua vào 10.000 cổ phiếu phiên 8/2/2017. Trước đó khoảng một năm, ông cũng mua lượng cổ phiếu tương tự ở phiên 11/1/2016.

Được biết, hiện nay cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước khi sở hữu 2.774.353.387 cổ phiếu, tương đương 77,11% vốn. Cổ đông chiến lược nước ngoài là Mizuho Bank Ltd sở hữu 539.668.502, tương đương 15% vốn tại Vietcombank.

Hiện HĐQT của Vietcombank gồm 8 thành viên. Trong đó, ông Nghiêm Xuân Thành là Chủ tịch HĐQT và 7 Thành viên HĐQT gồm: ông Nguyễn Danh Lương; ông Phạm Quang Dũng; bà Nguyễn Thị Dũng; ông Nguyễn Mạnh Hùng; ông Nguyễn Mỹ Hào; ông Eiji Sasaki và ông Phạm Anh Tuấn.

Mới đây, Vietcombank đã thực hiện thoái vốn thành công khỏi Saigonbank và Tài chính Xi măng, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu tại OCB xuống còn khoảng 1,15%. Ngân hàng cũng lên kế hoạch tiếp tục thoái vốn tại Eximbank và MBBank trong thời gian tới.

Tính đến hết tháng 9, tổng tài sản của Vietcombank đạt 898.484 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 536.059 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 688.000 tỷ đồng, đều tăng hơn 16%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,51% đầu năm xuống 1,15%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt 6.739 tỷ đồng, tăng 26%.

Sau hàng loạt sai phạm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank bất ngờ “gom” 10.000 cổ phiếu VCB - Hình 2Sau hàng loạt sai phạm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank bất ngờ “gom” 10.000 cổ phiếu VCB - Hình 2

Thông báo Kết luận thanh tra số 3216/TB-TTCP ngày 29/12/2017 về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietcombank

Đáng nói, trước đó, tại Thông báo Kết luận thanh tra số 3216/TB-TTCP ngày 29/12/2017 về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietcombank, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ nhiều khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng tại ngân hàng này.

Theo kết luận thanh tra này, thì bên cạnh những ưu điểm, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng tại Vietcombank.

Cụ thể: Về thẩm định, phê duyệt cho vay: Một số hồ sơ tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định hạn mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác…

Về giải ngân vốn vay: Một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt; chứng từ giải ngân không đầy đủ; giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ (kiểm tra bản gốc của hóa đơn bán hàng), dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn ngân hàng.

Về kiểm tra sử dụng vốn vay: Một số hồ sơ tín dụng các chi nhánh thực hiện kiểm tra không đầy đủ theo quy định; nội dung kiểm tra chung chung, sơ sài, chưa đầy đủ, chưa kiểm tra cụ thể về sổ sách kế toán, chưa đề cập các thông tin về tình hình kinh doanh, đánh giá dòng tiền, dẫn đến ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vôn vay và khả năng trả nợ của khách hàng.

Về tài sản đảm bảo: Một số hồ sơ tín dụng nhận thế chấp tài sản đảm bảo không đủ điều kiện theo quy định; việc định giá lại tài sản đảm bảo chưa theo quy định; hợp đồng thế chấp tài sản không có công chứng…

Về phân loại nợ: Có một số hồ sơ tín dụng thực hiện xếp hạng khách hàng, phân loại nợ và cơ cấu nợ chưa đúng quy định tại Quyết định 780 và Công văn 2506.

Về xử lý rủi ro: Một số hồ sơ xử lý rủi ro có nguyên nhân từ việc khi cho vay Vietcombank đã vi phạm các quy định của hoạt động tín dụng. Sau khi xử lý rủi ro còn chưa có biện pháp kiên quyết, phù hợp để thu hồi nợ, như là phát mại tài sản hay bán nợ…

Trong hoạt động mua bán nợ, Vietcombank cũng có những vi phạm như hướng dẫn mua bán nợ không rõ ràng, dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các bước; VAMC ủy quyền cho Vietcombank bán các khoản nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng khi chưa thực hiện đấu giá là chưa đúng với quy định.

Những khuyết điểm trong đầu tư tài chính: Việc góp vốn, mua cổ phần của Vietcombank chưa hoàn toàn phù hợp với Thông tư 36.

Vietcombank có cổ phần sở hữu tại Gentraco và tổ chức tín dụng là MB nhưng doanh nghiệp lại là cô đông hoặc công ty con của TCTD lại là cổ đông của Vietcombank là chưa đúng quy định tại khoản 5, điều  129 và khoản 2, điều 135 Luật Các TCTD.

Vietcombank còn chậm thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành và những DN hoạt động không hiệu quả. Hiệu quả đầu tư còn chưa tương xứng với việc tăng vốn đầu tư trong giai đoạn 2014 - 2015: giá trị đầu tư năm 2014 là 5.170,5 tỷ đồng, năm 2015 là 5.375,6 tỷ đồng, nhưng thu nhập từ cổ tức lại giảm: năm 2014 là 438,3 tỷ đồng, tương đương 8,48%; năm 2015 là 265,8 tỷ đồng, tương đương 4,94%.

Trong hoạt động mua sắm tài sản, Vietcombank cũng có một số vi phạm. cụ thể, kiểm tra 2 gói thầu công nghệ thông tin, Thanh tra Chính phủ phát hiện Vietcombank thực hiện chưa đúng quy trình và nội dung đầu tư, các yêu cầu về an toàn, bảo mật. Năng lực của cán bộ thực hiện dự án cũng chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ về chuyên môn kỹ thuật.

Ngoài ra, Vietcombank chưa kiểm soát chặt chẽ đối với nhà thầu dẫn đến ngay sau khi trúng thầu và hợp đồng được ký kết, các nhà thầu đã chuyển nhượng cho đơn vị khác thực hiện mà Vietcombank không nắm được. Đến thời điểm thanh tra gói thầu “Mua sắm giải pháp Flash caching cho hệ thống máy chủ” chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Sau hàng loạt sai phạm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank bất ngờ “gom” 10.000 cổ phiếu VCB - Hình 3

Thanh tra Chính phủ nêu rõ nhiều khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng tại Vietcombank sau thanh tra

Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm.

Yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm tham mưu, đề xuất cho Chính phủ những giải pháp để xử lý nợ xấu của các Ngân hàng thương mại nói chung và các khoản nợ mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng nói riêng, theo hướng tách bạch rõ giữa bán nợ và bán tài sản để thu nợ.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền tiến hành tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân của VAMC và Vietcombank có vi phạm.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Vietcombank căn cứ vào những vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra để tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân theo thẩm quyền quản lý. Đồng thời, đề xuất và áp dụng ngay các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục xử lý những vi phạm, yếu kém.

Về xử lý kinh tế, yêu cầu Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước các cấp xem xét, xử lý các vi phạm hành chính theo quy định đối với những vi phạm hành chính được chỉ ra trong kết luận thanh tra. Yêu cầu Vietcombank quyết toán đối với 2 gói thầu của 2 công ty đã có vi phạm trong chuyển nhượng phải loại trừ khỏi giá trị quyết toán số tiền 1,174 tỷ đồng.

Sau khi Thanh tra Chính phủ Thông báo kết luận thanh tra, Vietcombank có đã phản hồi về vụ việc.

Theo đó, Vietcombank cho biết, theo kế hoạch thanh tra thường niên năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra hoạt động của ngân hàng. Tại thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ có chỉ ra một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tại một số đơn vị của Vietcombank. Đây là những tồn tại, sai sót trong một số nghiệp vụ của đơn vị phát sinh trong những năm trước đây. Vietcombank cũng cho biết, trong quá trình thanh tra, ngân hàng đã phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.

''Những tồn tại, sai sót mà Thanh tra Chính phủ đưa ra đã được Vietcombank chủ động phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời có các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền. Có những trường hợp Vietcombank chủ động cung cấp hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, tòa án để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật'', Vietcombank cho biết.

''Đối với các kiến nghị của Đoàn Thanh tra, Ban lãnh đạo Vietcombank nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đến thời điểm này, phần lớn các tồn tại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cơ bản được Vietcombank xử lý'', Vietcombank thông tin.

Ngọc Anh

Bài liên quan

Tin mới

Việt Nam được định vị như thế nào trên bản đồ công nghệ thế giới?
Việt Nam được định vị như thế nào trên bản đồ công nghệ thế giới?

Trong cuộc đua công nghệ bán dẫn - AI, Việt Nam được định vị như thế nào trên bản đồ công nghệ thế giới?

THILOGI đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics
THILOGI đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics

Nhằm nâng cao năng lực hoạt động, tối ưu hóa chuỗi dịch vụ, hướng tới mô hình giao nhận - vận chuyển thông minh, THILOGI đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị hoạt động logistics.

Kiến nghị sửa quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ khi đang học
Kiến nghị sửa quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ khi đang học

Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị sửa Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự về tạm hoãn gọi nhập ngũ khi đang học.

Quy định mới tiêu chuẩn diện tích, trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ từ ngày 1/8
Quy định mới tiêu chuẩn diện tích, trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ từ ngày 1/8

Tiêu chuẩn mới về diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ được quy định tại Quyết định số 11/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phòng khám St. Paul thực hiện chương trình “Ghi công ơn - đáp nghĩa tình”
Phòng khám St. Paul thực hiện chương trình “Ghi công ơn - đáp nghĩa tình”

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/07/1947 - 27/07/2024), Phòng khám Da liễu St. Paul tổ chức chương trình “Ghi công ơn – đáp nghĩa tình”. Đây là chuỗi hoạt động thiện nguyện, nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng, tại 3 miền Tổ Quốc.

Vận chuyển gần nửa tấn pháo lậu, 2 đối tượng bị khởi tố
Vận chuyển gần nửa tấn pháo lậu, 2 đối tượng bị khởi tố

Cơ quan CSĐT công an huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vừa ra quyết định khởi tố 2 đối tượng có hành vi vận chuyển gần nửa tấn pháo nổ.