Chậm chuyển giao DNNN do giằng xé lợi ích giữa các bên? (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết theo quyết định về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 6 bộ và 16 địa phương chuyển giao 62 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỉ đồng về SCIC để đơn vị triển khai bán phần vốn nhà nước tại các DN này. Tuy nhiên, đến nay, SCIC mới chỉ tiếp nhận 25 DN với tổng vốn nhà nước hơn 862 tỉ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỉ đồng.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC mới chỉ tiếp nhận được 5 DN trong tổng số 45 DN theo kế hoạch. Hiện tại, 5 bộ và 8 địa phương giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 37 DN vẫn chưa chuyển giao về SCIC theo yêu cầu của Thủ tướng.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC, cho biết có một số vướng mắc liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước khiến các địa phương chưa muốn chuyển giao DN.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì cho rằng, lý do việc chậm chuyển giao là vì sự giằng xé lợi ích giữa các bên.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cũng cho rằng bài toán lợi ích, bài toán được "làm chủ" DN khiến nhiều nơi còn chần chừ, không muốn chuyển giao DN về SCIC.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DN nhà nước và kiến nghị với Chính phủ. Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết những DN nhà nước đã cổ phần hóa.
Phong Lộc