Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Năm 2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,52 triệu người; BH thất nghiệp 11,72 triệu người; BHXH tự nguyện 291 nghìn người; BHYT 81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số. Toàn Ngành thu 289.349 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch giao; trong đó, thu BHXH là 194.943 tỷ đồng; thu BH thất nghiệp là 13.263 tỷ đồng; thu BHYT là 81.143 tỷ đồng. Toàn ngành cấp 13,5 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,3% trên tổng số đối tượng tham gia BHXH; cấp được 78,2 triệu thẻ BHYT. Thực hiện Luật BHXH, ngành BHXH đã bàn giao khoảng 9,1 triệu sổ BHXH, đạt trên 70% so với tổng số sổ BHXH phải bàn giao cho người lao động.

Đặc biệt, năm 2017, số tiền nợ giảm đáng kể. Nếu như tháng 11/2017, số tiền nợ là hơn 10.000 tỷ đồng thì hiện nay đã giảm xuống còn 5.737 tỷ đồng, chiếm 3,0% số kế hoạch thu BHXH do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016. Ngành BHXH cũng phấn đấu đến hết 31/12/2017 số nợ còn khoảng 2,5%.

Liên quan đến công tác giám định, kiểm soát chi phí KCB BHYT, ngành BHXH đã tập trung rà soát chi phí KCB BHYT quý III, quý IV trên hệ thống thông tin giám định điện tử, hướng dẫn BHXH các tỉnh phương thức, nội dung cần chú ý khi thực hiện giám định tự động. Hoàn thiện quy chế về việc tham gia đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH tại các cơ sở y tế; tăng cường rà soát các cơ sở KCB, đặc biệt là những cơ sở KCB có cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT…

Sẽ đề xuất phương án áp dụng tính lương hưu để giảm thiệt thòi cho nữ giới - Hình 1

Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ phát biểu

Trả lời câu hỏi về việc có điều chỉnh tỉ lệ tính lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết, đến thời điểm này cơ quan BHXH vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ cấp thẩm quyền, về việc thay đổi cách cách tính lương hưu và BHXH Việt Nam vẫn thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2014. Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%. Với việc thay đổi cách tính này, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%). Sau ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH thì chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5- 10%. Tại thời điểm ngày 1/1/2018 sẽ có 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chính sách này. “Trước đó Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã tham gia trình Chính phủ đề xuất phương án áp dụng lộ trình tính lương hưu cho nữ giới để giảm thiệt thòi cho đối tượng này. Tuy nhiên, để vấn đề này được thực thi phải do Quốc hội thông qua”- ông Phạm Lương Sơn chia sẻ.

Liên quan đến quản lý lao động có hợp đồng lao động từ 1- 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc, ông Đỗ Ngọc Thọ cũng nhận định việc quản lý này đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan BHXH bởi đối tượng này biến động nhiều; ý thức của chủ sử dụng lao động không muốn bỏ thêm khoản chi phí đóng BHXH.

Tuy nhiên, Luật đã quy định thì trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt cơ quan BHXH sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý lao động để quản lý, nắm bắt được đối tượng để đôn đốc các đơn vị để tránh thất thu.

Thanh Bình