Tham gia giải trình về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trước đây chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối ngân sách cả Trung ương và địa phương. Khi đó, giai đoạn 2005-2010, 2011-2015 có hơn 20.000 dự án mà không rõ nguồn vốn ở đâu, khả năng giải ngân bao nhiêu, dẫn đến dàn trải, thất thoát, dừng, hoãn. 

Theo Bộ trưởng, có Luật Đầu tư công, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, khắc phục được các bất cập trong đầu tư công.

Nợ đọng và ứng với giai đoạn trước đã được xử lý vào giai đoạn 2016-2020. Các dự án không duyệt có mức tổng đầu tư vượt lên so với tính toán và nhu cầu, chưa có biện pháp kiểm soát. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ ngành xây dựng định mức, làm cơ sở để phê duyệt đầu tư hợp lý.

Nhiều dự án hiệu quả chưa cao, do thực hiện nhiều thủ tục đấu thầu, giải phóng mặt bằng, đền bù… làm cho vốn đầu tư vượt lên, buộc phải điều chỉnh, không có nguồn bố trí phải dừng hoãn.

Hướng tới, Bộ đã trình kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công theo hướng tổng hợp, rà soát lại toàn bộ bất cập để trình Quốc hội, Chính phủ sửa Luật đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ, nhưng giải quyết thủ tục nhanh gọn cho đối tượng áp dụng luật, trong đó Nghị định 136.

Trần Nguyên