Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, có được kết quả trên là nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã đạt kết quả khả quan, GDP tăng 6,42%, lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 4,08%. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử.
Cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản sát với giá thị trường... đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng.
Về kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.
Hiện, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định và đang lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương liên quan về việc dự kiến thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ trong 6 tháng cuối năm (làm giảm thu NSNN khoảng 5.200 tỷ đồng).
Đồng thời, đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu NSNN gần 590 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nên thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, cơ quan chức năng phải thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, dừng chính sách miễn, giảm thuế phí. Đồng thời, cơ quan chức năng tập trung sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
“Tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do khó khăn, ách tắc chính sách”, ông Phớc nhận định.
Vì vậy, thời gian tới, theo người đứng đầu ngành tài chính, cần tăng cường năng lực cho tài chính công, tập trung tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có tác dụng lan tỏa, như đầu tư các bến cảng, sân bay. Duy trì chính sách tài khóa thắt chặt nhằm đảm bảo an toàn tài chính công; có nguồn lực cho thực hiện cải cách tiền lương.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng, cần các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó có nguồn thu cho NSNN.
Thu Trang (t/h)