Nên có chế độ tốt hơn thu hút người nước ngoài tham gia BHYT
Tại hội nghị đối thoại, nhiều vân đề băn khoăn, vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách BHXH, BHYT được các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đặt ra, trong đó khám chữa bệnh BHYT đối với lao động trong nước và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chế độ thai sản đối với lao động nữ, được đề cập khá nhiều.
Đại diện Công ty TNHH Việt Nam NOK (KCN Amata, Biên Hòa, Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Tại sao người lao động nước ngoài không mặn mà tham gia BHYT? Người nước ngoài có mức lương cao, họ đóng chế độ cao nên cần được hưởng mức tương ứng, ít nhất là phòng khám đủ điều kiện về mặt ngôn ngữ. Một chuyên gia Nhật vào viện công để khám bệnh không thể lúc nào cũng phải dắt theo một phiên dịch, họ phải bỏ tiền túi để khám bệnh. Đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nên mở rộng thêm các chế độ cho người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám quốc tế”
Giải đáp vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho rằng, vấn đề khám chữa bệnh cho người nước ngoài hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội hoàn toàn thực hiện được quy định đó. Đối với các phòng khám tư nhân, bệnh viện tư, đa số tương đương với tuyến huyện. Các bệnh viện này, người nước ngoài có thể đến khám chữa bệnh cả ngoại trú và nội trú và chúng ta có thể lựa chọn bệnh viên có phiên dịch, sử dụng ngoại ngữ.
Ông Phúc nêu dẫn chứng Bệnh viện Vinmec (tương đương tuyến tỉnh) điều trị nội trú cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ được hưởng chế độ BHYT. Kể cả trong trường hợp bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, bệnh viện Thống Nhất…vẫn áp dụng chế độ theo quy định, chỉ có phiên dịch phải tự bố trí. Ông Phúc cho biết “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có đề xuất liên quan đến khám chữa bệnh cho người nước ngoài một cách cụ thể hơn. Đề nghị Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố, thống kê lại các cơ sở y tế có sử dụng ngoại ngữ để cập nhật nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người lao động tại các doanh nghiệp FDI”
Về chê độ thai sản đối với lao động nữ, bà Đinh Thị Thu Hiền Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách xã hội, BHXH Việt Nam thông tin, lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh ko cần liên tục, đã đủ điều kiện hưởng chế độ khi sinh con và chế độ thai sản khi sinh con theo quy định. Bà Hiền cho biêt sẽ ghi nhận các kiến nghị của các doanh nghiệp để trong thời gian tới sửa đổi Luật sẽ bổ sung đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ hưởng chế độ thai sản thuận lợi hơn.
Số hotline không phải chỉ để cho vui?
Đại diện Công ty TNHH FoneN Việt Nam nêu: “Một việc rất đơn giản nhưng gây nhiều rắc rối trong công tác bảo hiềm xã hội đó là, chúng ta có số hotline nhưng khi gọi đến không bao giờ được. Người lao động có nhiều vấn đề liên quan đến chế độ BHXH, BHYT cần tư vấn, nhưng không thể lúc nào cũng đến gặp trực tiếp cơ quan BHXH. Gọi số Hotline thì không có người nhấc máy, phải chăng số hotline chỉ để cho vui? Tình trạng này không riêng ở thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều cơ quan có số hotline xảy ra như vậy.
Ông Đào Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp. Ông cho biết, hiện nay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sử dụng nhiều phương thức để người lao động có thể thông tin liên hệ về các chính sách bảo hiêm, ngoài số hotline, còn có các kênh như cổng thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cổng dịch vụ công, chatbox, các trang Fanpage của cơ quan Bảo hiểm Xã hội thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay sẽ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, để cải tiến hơn nữa kể cả khâu thiết kế chính sách cũng như khâu tổ chức thực hiện để làm sao đạt hiệu quả hơn. Mong muốn thời gian tới giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ triển khai Nghị định song phương về BHXH, khi đó quyền lợi đóng BHXH cho lao động Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam được kết nối thuận tiện hơn trong việc nhận chế độ hưu trí khi về nước.
Thanh Huyền