Đã gần một tháng kể từ khi Thông tư 22/2013 (TT22) của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đi vào thực tiễn (1-6- 2014), cộng với thời gian chín tháng chuẩn bị trước đó, song theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh (SJA), đến nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn chưa nắm rõ các quy định tại thông tư trên. Trong khi, thị trường lâu nay vẫn tồn tại tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị thua thiệt.
Theo Chủ tịch SJA Nguyễn Văn Dưng, trong khoảng 3.000 DN sản xuất, kinh doanh nữ trang trên địa bàn, chỉ có khoảng 10% là những DN đầu mối lớn mới biết đến TT22. Trong khi, đây lại là quy định bắt buộc đối với việc kiểm soát việc kiểm soát vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu DN nào vi phạm sẽ bị phạt khá nặng, thậm chí tịch thu hàng hóa. Cơ quan quản lý nên “ thư thả” trong việc xử lý vi phạm để các DN sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang, nhất là các DN nhỏ có sự chuẩn bị cũng như xử lý hàng tồn kho.
Qua khảo sát thực tế cũng cho thấy, từ ngày 1-6, TT22 có hiệu lực, thị trường vàng đã có nhiều biến chuyển, trong khi các DN lớn lĩnh vực này đã sẵn sàng thì Dn nhỏ lẻ, thủ công lại tỏ ra lúng túng, nhất là với xử lý hàng tồn kho. Ngoài ra, với quy định mới, tất cả các mã ký hiệu hàng hóa đều phải ghi rõ trên sản phẩm để khách hàng nhận biết. Nhưng theo các chủ tiệm vàng, sản phẩm nữ trang vừa nhỏ và mỏng, nên rất khó có thể ghi hết ký hiệu của nhà sản xuất cũng như mã hàng hóa lên sản phẩm. Mặt khác, để làm được điều này đòi hỏi phải đầu tư máy móc rất tốn kém. Theo quy định mới, mã hàng hóa cũng như các ký hiệu hàng hóa đều phải ghi hết lên sản phẩm là điều rất khó. Phó Chủ tịch SJA Phạm Văn Tám, chủ tiệm Vàng Kim Hảo, cho biết, các sản phẩm nữ trang của công ty lâu nay đều ghi mã số Kim Hảo 940 hoặc Kim Hảo 980. Còn mã số hàng hóa sẽ ghi đầy đủ trên hóa đơn khi xuất cho người mua hàng và để thực hiện được quy định mới, công ty sẽ lại đầu tư lại máy móc…
Theo Ông Phạm Văn Tám, hiện rất nhiều DN gặp khó khăn trong việc thực hiện TT22. Vì thời gian để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định mới quá ngắn, DN chưa nắm hết thông tư nên khi áp dụng gần như 100% chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, kinh phí đầu tư đắt đỏ, trong khi sức tiêu thụ giảm. Theo quy định mới, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác đị
nh hàm lượng trong sản phẩm trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1% vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức.
Ngày 20-6 vừa qua, Ban tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc về TT22 đã nhận được rất nhiều câu hỏi theo kiểu “ đây là lần đầu tiên tôi được biết văn bản này”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, TT22 đã được ban hành từ hơn nửa năm, không phải là văn bản “ từ trên trời rơi xuống”, vậy tại sao chủ DN để đến bây giờ mới tìm hiểu. Trong khi, thị trường lâu nay vẫn tồn tại tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị móc túi, nhưng không có cơ sở để đòi quyền lợi. Do đó, việc TT22 đi vào thực tế, kỳ vọng người tiêu dùng được bảo vệ.
Thậm chí, ông Nguyễn Đức Kiên còn cho rằng, không loại trừ khả năng đây chỉ là động tác của một số DN vì lợi ích cá nhân nhằm tạo ra làn sóng áp lực giả tạo lên cơ quan điều hành, lợi dụng dư luận xã hội để trục lợi. Đối với những chủ DN nói TT22 làm cho họ mất nhiều công và chi phí hơn, vậy phải hỏi rằng họ bán cái gì cho người dân, họ bán thì họ phải biết họ bán vàng bao nhiêu tuổi, vậy sao không công khai và chịu trách nhiệm trước thông tin công khai đấy. Nếu người tiêu dùng mua sản phẩm mang đi kiểm định chất lượng không đúng như thông số đưa ra thì chủ cơ sở vàng phải chịu trách nhiệm. Phải gắn chất lượng sản phẩm với trách nhiệm cá nhân của các nhà sản xuất… chúng ta đang từng bước đưa hoạt động chuẩn hóa chất lượng vàng quy chuẩn, công khai, minh bạch để kiểm soát. Phải gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm bày bán trên thị trường để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là một bước đi đúng, và cần thiết phải thực hiện để quản lý chất lượng vàng trang sức.
Đồng tình với quan điểm này, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Huệ cho rằng, trước khi ban hành văn bản đã cho các DN có một lộ trình để chuẩn bị thực hiện quy định mới, nên các DN cần phải chấp hành. TT22 quy định, chất lượng hàng hóa là nữ trang vàng lưu thông trên thị trường nếu sai phạm thì mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng và tối đa cao gấp năm lần tổng giá trị sản phẩm. Trường hợp DN đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành, tịch thu sản phẩm.
Theo Thời Nay