Phải quy trách nhiệm từng khâu
Quyết định1371/2004/QĐ-BTM của Bộ Thương mại, (nay là Bộ Công thương), đã quy định rất chặt chẽ đầu vào, đầu ra đối với hàng hóa tại siêu thị, nhưng thực tế các mặt hàng tại siêu thị đang bị “chợ cóc hóa” một cách đáng báo động. Gần đây nhất là vụ rau VietGAP “dỏm” đội lốt, “biến hình” vào siêu thị đã khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu & Công luận, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là người đã từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cũng là một trong những người đầu tiên đưa hoạt động siêu thị vào thị trường Việt Nam - nguyên là Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hàn quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại quy định rất chặt chẽ đầu vào, đầu ra và thậm chí còn có hướng dẫn làm hòm thư góp ý lắng nghe và quản lý chuỗi bán hàng. Nhưng thực tế giữa quy định và thực tế còn nhiều điều đáng bàn.
“Quy chế này là một cái “gậy chung” cho siêu thị toàn quốc, hiện nay chưa có quy chế cho các cửa hàng tự chọn, siêu thị mini nhưng rồi sẽ phải có. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1240 siêu thị, 270 trung tâm thương mại, 3390 siêu thị mini, 9000 chợ. Từ quy chế này, bản thân nhà sản xuất, công ty kinh doanh siêu thị như: Thế giới di động, Bách hoá xanh, WinMart… phải xây dựng nội quy nội bộ, chi tiết, chứ không phải áp quy định chung vào đấy hoàn toàn chưa đủ. Bởi vì đặc điểm của từng siêu thị ở nông thôn khác, siêu thị thành phố khác, đại siêu thị khác và trung siêu thị khác. Chúng ta phải cụ thể hoá ra để phân công, phân trách nhiệm để khi xảy ra vấn đề không ai mong muốn thì quy trách nhiệm cho từng khâu”, ông Phú phân tích.
![chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là người đã từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cũng là một trong những người đầu tiên đưa hoạt động siêu thị vào thị trường Việt Nam - nguyên là Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là người đã từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cũng là một trong những người đầu tiên đưa hoạt động siêu thị vào thị trường Việt Nam - nguyên là Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/04/chuyen-gia-kinh-te-muon-coi-nut-that-ve-gia-chi-co-the-tim-cach-giam-thue-phi-xang-dau-091829868-1664841786.jpg)
Từ thực tế, nhất là vụrau VietGAP “dỏm” đội lốt, “biến hình” vào siêu thị vừa qua, ông Phú cho rằng văn bản là một chuyện, trách nhiệm là chuyện khác.
“Hiện nay thủ tục văn bản xin nhập hàng vào siêu thị phải có đến hơn 40 văn bản như chất lượng hàng hoá, kiểm dịch, hải quan,… văn bản không thiếu nhưng vấn để thực thi như thế nào là điều cần được quan tâm”, ông Phú phân tích thêm.
Một điểm đáng chú ý, cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng kém chất lượng nghiễm nhiên có mặt tại siêu thị là do khâu kiểm soát, thấy bẩn, không đảm bảo vẫn cho qua: “Vấn đề nữa là thông đồng, trông thấy bẩn vẫn cho qua, trông thấy không đảm bảo vẫn cho qua về bao bì nhãn mác, chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn lột vỏ sản phẩm ra thay thế như vụ việc Công ty Đông A (TP Thủ Đức) nhập nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì để "hô biến" hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam trước khi bỏ vào hệ thống Bách Hóa Xanh. Hay vụ việc Rau sạch dỏm 'biến hình' vào Winmart, Tiki ngon…”, ông Phú nói.
![Công nhân dán tem VietGAP vào gói rau mua từ chợ đầu mối đã được sơ chế - Ảnh: BÔNG MAI Công nhân dán tem VietGAP vào gói rau mua từ chợ đầu mối đã được sơ chế - Ảnh: BÔNG MAI](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/04/a1-1664841000.png)
Về trách nhiệm nhìn tự vụ rau VietGAP “dỏm” đội lốt, “biến hình” vào siêu thị ông Phú cho rằng: “Trách nhiệm trước hết của siêu thị, vụ việc xảy ra là của siêu thị, của khâu bán ra”.
Cũng liên quan tới vấn đề này ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản khẳng định: Hiện tượng nhập rau ở chợ rồi dán mác VietGAP để đưa vào siêu thị là vi phạm về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng.
Sẽ siết nông sản bày bán ở siêu thị
Tại buổi họp báo thường kỳ ngành nông nghiệp chiều 03/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, tới đây sẽ bàn, ký với hiệp hội nhà bán lẻ chương trình đưa hàng hóa rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm vào siêu thị. Ông Tiến khẳng định hàng hóa trong nước và quốc tế đều phải rõ nguồn gốc và truy suất được. "Đối với 12 đơn vị tổ chức chứng nhận VietGAP đã được Cục Trồng trọt cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận thì Cục Trồng trọng phải rà soát và xử lý nghiêm" - ông Tiến nhấn mạnh.
![ạ ạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/04/z3771449509864-d8b9ff5bdc72ce3e8fd8dbe1ae33e872-1664841371.jpg)
Từ vụ việc này Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã lấy mẫu ở ba chợ lớn tại TP. Hồ Chí Minh, có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.
Về dài hơi, tới đây Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ bàn với Hiệp hội Các nhà bán lẻ để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chương trình đưa sản phẩm hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm vào siêu thị, hệ thống bán lẻ.
Cũng theo ông Tiến, thống kê đầu năm 2022 đến nay, kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật 2.503 mẫu, kết quả có 40 mẫu vi phạm (chiếm 1,6%), điều này cho thấy khâu quản lý chặt chẽ, nhưng để kiểm soát sâu sát, toàn diện, mật độ dày hơn thì chưa làm được nên xảy ra việc như báo chí phản ánh.
Lê Pháp – Minh An