Hợp đồng mua Công ty Cao Huân không đảm bảo tính pháp lý
Được biết, Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Công ty TDTT) là Doanh nghiệp Nhà nước, được cổ phần hoá theo Quyết định số 1218/QĐ/UBTDTT ngày 11/7/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Thể dục Thể thao Việt Nam thành Công ty Cổ phần nay trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tổng vốn điều lệ là 12,5 tỷ trong đó Nhà nước nắm giữ 51,32%.
Ngày 06/12/2014, theo sự chỉ đạo của ông Bùi Duy Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TDTT, ông Trịnh Quốc Toàn – Phó Giám đốc Công ty TDTT đã đại diện Công ty TDTT ký Thoả thuận hợp tác nguyên tắc số 59 với ông Nguyễn Cao Hởi – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cao Huân với nội dung: Công ty TDTT nhận chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp của các thành viên Công ty Cao Huân với giá thoả thuận 16 tỷ đồng. Từ ngày 31/12/2014 đến ngày 07/5/2015, ông Bùi Duy Nghĩa đã tự ý chỉ đạo chuyển tổng số tiền là 15,4 tỷ cho ông Nguyễn Cao Hởi để mua Công ty Cao Huân.
Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam
Đáng chú ý, sau khi chuyển tiền, chủ sở hữu đứng tên phần vốn góp vào Công ty Cao Huân không phải là Công ty TDTT mà là 3 cá nhân Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn và Nguyễn Văn Hiền (Giám đốc Công ty TNHH thể thao Bách Hiền). Ngày 25/9/2015, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành bắt giam ông Bùi Duy Nghĩa để điều tra hình sự. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng vào cuộc kiểm tra toàn diện Công ty TDTT và có Báo cáo số 07/BC-TTr vào ngày 25/3/2016. Báo cáo đã nêu rõ, việc Công ty TDTT mua Công ty Cao Huân là không đảm bảo tính pháp lý.
Sau đó ba tháng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3612/BVHTTDL-KHTC ngày 12/9/2016 về việc giải quyết nhũng tồn tại về các hợp đồng hợp tác đầu tư chỉ đạo: “Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty phối hợp với HĐQT, Ban Giám đốc thu hồi lại khoản tiền 15,4 tỷ đồng mà Công ty TDTT đã chuyển cho ông Nguyễn Cao Hởi để mua lại Công ty Cao Huân (hiện do 3 cá nhân là ông Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn và Nguyễn Văn Hiền đứng tên chủ sở hữu) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.
Nhà máy Cao Huân không phải là tài sản của Công ty TDTT
Việc mua bán trái pháp luật Công ty Cao Huân của ông Bùi Duy Nghĩa và các cá nhân có liên quan đã bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong quá trình điều tra, ngày 08/02/2018, các ông Nguyễn Cao Hởi, Trịnh Quốc Toàn và Nguyễn Văn Hiền đã có văn bản đề nghị khắc phục hậu quả trong việc mua bán Công ty Cao Huân là trả lại số tiền 15,4 tỷ đồng cho Công ty TDTT, đồng thời đề nghị Công ty TDTT bàn giao lại Nhà máy Cao Huân tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai.
Ngày 14/6/2018, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, dưới sự chứng kiến của Công chứng viên và Giám thị trại giam T16, bị can Bùi Duy Nghĩa đã ký Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của mình tại Công ty Cao Huân cho Chủ sở hữu mới của Công ty này là Công ty Cổ phần dược Viko8 – Pháp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – đại diện Công ty Viko8 – Pháp đã thay mặt 3 cá nhân trên chuyển trả lại cho Công ty TDTT toàn bộ số tiền 15,4 tỷ đồng.
Công văn của Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam.
Như vậy, có thể khẳng định, Nhà máy Cao Huân (tài sản của Công ty Cao Huân) không phải là tài sản của Công ty TDTT mà là tài sản thuộc Công ty Viko8 – Pháp. Việc mua bán Nhà máy này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, người chủ mưu là ông Bùi Duy Nghĩa đã bị truy tố, tiền mua đã được trả lại (15,4 tỷ đồng) nên việc phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu là đương nhiên.
Ngày 06/7/2018, Chủ tịch HĐQT Công ty TDTT Nguyễn Ngọc Thạch và Tổng Giám đốc Phạm Quang Anh đã đàm phán với ông Nguyễn Mạnh Hùng – đại diện Công ty Viko8 – Pháp về việc mượn lại Nhà máy Cao Huân đến 14/8/2018 để di chuyển thiết bị, máy móc về 181 Nguyễn Huy Tưởng (sau đó, thoả thuận này được gia hạn bàn giao đến 30/10/2018). Tuy nhiên, suốt quá trình này, Chủ tịch HĐQT Công ty TDTT Nguyễn Ngọc Thạch đã không thực hiện việc di dời thiết bị, máy móc để bàn giao Nhà máy Cao Huân.
Thậm chí, ngày 25/10/2018, ông Thạch còn ngang nhiên ký văn bản số 01/HĐQT (không có dấu đỏ) với nội dung: “Hiện nay HĐQT Công ty chưa có văn bản nào yêu cầu dừng sản xuất, chưa có văn bản nào về việc di dời Nhà máy tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai. Vì vậy, Các bộ phận vẫn tiếp tục tiến hành sản xuất bình thường theo sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu … Khi nào HĐQT họp có ý kiến chỉ đạo Tổng Giám đốc về việc di dời và được Đại hội cổ đông chấp nhận thì CBCNV mới được phép thực hiện.”
Việc ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Công ty TDTT cùng Tổng Giám đốc đồng ý trả nhà máy lại cho Công ty Viko8 – Pháp rồi lại không thực hiện đã khiến cho Công ty Viko8 thiệt hại rất lớn về tài chính, thời gian và uy tín với đối tác của mình. Không những vậy, hành vi cố tình kéo dài viêc trả lại tài sản cho người khác, ra văn bản không dấu, chỉ đạo “chui” này còn khiến nội bộ Công ty TDTT bất an, không thể yên tâm công tác.
Đề nghị cơ quan chủ quản là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào cuộc quyết liệt, chấm dứt việc tranh chấp nội bộ kéo dài tại Công ty này, bảo vệ uy tín của Bộ, tính công minh của pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Viko8.
Nhóm Phóng viên