THCL Thay vì mổ chân trái, bác sĩ ở Khoa Chấn thương chỉnh hình 3 của Bệnh viện Việt Đức đã mổ nhầm sang chân bên phải của bệnh nhân.

Chữa “lành” thành “què”

Sự việc hy hữu diễn ra tại ca mổ chiều ngày 19/7, người “chịu trận” là bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

 

Tại Bệnh viện Việt Đức: Hội chẩn chân trái, mổ nhầm sang chân phải - Hình 1

Hội chẩn chân trái nhưng bác sĩ lại tiến hành mổ chân phải của anh Thảo

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thanh (41 tuổi, chị dâu bệnh nhân), thời điểm tháng 2/2015, anh Thảo bị tai nạn giao thông khiến xương đùi phải bị gãy, phải mổ gắn vít và nay đã ổn định. Mấy hôm trước, gia đình có đưa anh Thảo đến Bệnh viện Việt Đức để chụp chiếu tổng thể xem tình trạng như thế nào. Thấy bệnh nhân đi thõng bàn chân không co được, bác sĩ cho chụp chiếu mới phát hiện thêm anh Thảo bị trật khớp, trật gân và có chỉ định mổ để cố định lại khớp và xử lý lại gân để bàn chân dẫm thẳng được. Do đó, gia đình đã cho bệnh nhân nhập viện đầu giờ chiều ngày 18/7, nằm ở Buồng 108, khoa Chấn thương chỉnh hình 3. Đến trưa ngày 19/7 thì các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Người mổ cho anh Thảo là bác sĩ Phan Văn Hậu.

 

Chị Thanh cho biết, trong quá trình em chồng mình tiến hành phẫu thuật, bộ phận hành chính của bệnh viện thông báo cho chị nộp thêm viện phí 5 triệu đồng. Trước đó chị Thanh đã tạm ứng 8.500.000 đồng tiền chi phí. “Phía bệnh viện giải thích rằng trong quá trình phẫu thuật, chi phí phải phẫu thuật nhiều hơn số tiền đã đóng, nên tôi cũng đã sinh nghi, đến khi Thảo về thì gia đình thấy hai chân của chú ấy đều có vết mổ” – Chị Thanh nói.

Chị Thanh có hỏi thì được anh Thảo cho hay, do trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiến hành gây tê ở phần chân nên anh không hề hay biết. Chỉ đến khi rời bàn mổ thì anh mới biết là mình bị mổ nhầm và  có thắc mắc với bác sĩ. Lúc đấy bác sĩ  Hậu mới xem lại bệnh án và tiến hành phẫu thuật ở chân trái.

Anh Thảo cho biết, hiện tại vết mổ chân trái không đau lắm nhưng vết mổ chân phải rất đau.

Sau khi xảy ra sự việc, chị Thanh có hỏi xem bệnh án thì thấy trong phiếu chỉ định phẫu thuật có ghi toàn bộ đều là mổ chân phải (ký hiệu P), nhưng sau đó được sửa lại thành mổ chân trái (sửa thành ký hiệu T). Chị xin chụp ảnh lại phiếu chỉ định phẫu thuật nhưng cán bộ ở đây không cho chụp, với lý do: “cho chị chụp thì chúng em mất việc vì chúng em không có thẩm quyền cung cấp” (?!).

Bệnh viện không liên quan?

Chị Thanh cho hay, sau khi gia đình thắc mắc, đến khoảng 19 giờ cùng ngày, bác sĩ Hậu (người trực tiếp mổ) cùng bác sĩ Quang (phó khoa) có xuống gặp người nhà bệnh nhân và xin lỗi vì đã mổ nhầm chân cho bệnh nhân.

“Tôi có hỏi bác sĩ đã thực hiện mổ chân phải (chân mổ nhầm) như thế nào. Bác sĩ cho biết đã cắt gân và chuyển gân chày sau ra trước. Sau đó khi phát hiện ra đã quay lại mổ hoàn thiện đúng chân bên trái. Cái chân mổ sai bác sĩ bảo không xử lý lại như trước được vì đã cắt một phần gân để quay chuyển gân.

Về tình trạng phục hồi, bác sĩ cho biết không ảnh hưởng đến vận động nhiều nhưng không thể được trở về 100% như cũ được. Quá trình này cần phải được theo dõi trong mấy năm, khi nào chân bớt phù nề, xem cử động ngón, cử động khớp như thế nào. Bác sĩ nói là khả năng hoạt động của chân sẽ kém đi nhưng không nói rõ là kém như thế nào. Theo tôi, bệnh viện cần tiến hành lập biên bản sự việc và có cam kết có trách nhiệm nếu sự nhầm lẫn của bác sĩ để lại hậu quả cho bệnh nhân”. Chị Thanh chia sẻ.

Bác sĩ Hậu, người trực tiếp mổ cho anh Thảo cũng đã xin lỗi bệnh nhân và gia đình. Do sơ suất không kiểm tra bệnh án. Khi hỏi bệnh nhân có phải mổ chân phải không, bệnh nhân bảo “ừ”, cho nên bác sĩ Hậu cũng chủ quan.

Tuy nhiên, theo chị Thanh, bác sĩ Quang (phó khoa) thì khăng khăng  bệnh viện không có lỗi gì, ở đây là do bác sĩ mổ. Theo nội dung đoạn ghi âm cuộc nói chuyện mà chị Thanh cung cấp cho phóng viên, bác sĩ Quang nói: “Theo tôi vấn đề này không liên quan đến bệnh viện… Đầu tiên phải khẳng định ai làm người đấy chịu”. Kết thúc cuộc nói chuyện với người nhà bệnh nhân, bác sĩ Quang nói: “Đây là tôi chia sẻ dưới góc độ cá nhân, còn nếu đưa ra công luận thì bệnh viện chẳng có liên quan gì hết”.

Chị Thanh bộc bạch: “Hoàn cảnh gia tình em tôi giờ rất khó khăn, vợ chăm con nhỏ ở quê, cộng thêm bố mẹ già yếu, em tôi là lao động chính, bây giờ mà hỏng nốt chân kia thì không biết cuộc sống gia đình sẽ như thế nào. Bác sĩ hàng ngày phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật, đôi khi không tránh khỏi sai sót. Gia đình tôi cũng hết sức thông cảm nhưng mong muốn phía bệnh viện có trách nhiệm trước sai sót của mình”.

Đức Thế (Thương hiệu & Công luận)