Nhu cầu mua BĐS ở mức cao
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng và các xu hướng BĐS đầu năm 2023 (Consumer Sentiment Study - CSS) do Batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, 68% người được hỏi cho biết họ sẽ mua nhà, đất trong vòng 1 năm tới. Tỷ lệ người dự định mua BĐS trong năm 2023 là 46% với đối tượng chưa có BĐS nào, 79% với những người đang sở hữu 2 BĐS và lên đến 87% ở những người đã có trên 3 sản phẩm địa ốc. Bên cạnh đó, nhiều người Việt cũng sẵn sàng chi từ 40% - 60% tổng thu nhập để trả góp vay mua nhà. Những số liệu này cho thấy nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân luôn ở mức cao.
Đáng chú ý, dữ liệu từ Batdongsan.com.vn phản ánh sự dịch chuyển rõ rệt về mối quan tâm đối với loại hình BĐS sơ cấp và thứ cấp. Nửa cuối năm 2022, tỷ lệ mong muốn mua BĐS sơ cấp và thứ cấp là tương đương nhau. Tuy nhiên sang đến đầu năm 2023, hơn 60% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ mua BĐS sơ cấp, tỷ lệ người muốn mua BĐS thứ cấp chỉ còn 37%.
Thực tế, xu hướng này đã diễn ra từ 2-3 tháng cuối năm 2022 khi nhiều chủ đầu tư đưa ra những chính sách thanh toán linh hoạt hoặc có động thái giảm giá khiến thị trường BĐS sơ cấp trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua và nhà đầu tư BĐS.
Ghi nhận trên thị trường, các dự án sơ cấp ra hàng trong nửa cuối năm 2022 đều đạt tỷ lệ hấp thụ cao. Đơn cử tại dự án Hanoi Melody Residences (Tây Nam Linh Đàm), lượng hấp thụ các tòa đã mở bán lên đến hơn 90% chỉ sau vài tháng ra mắt. Các dự án pháp lý rõ ràng, vị trí và chính sách bán hàng hợp lý khác cũng có diễn biến tương tự khi thu hút lượng quan tâm đông đảo.
Thời điểm hấp dẫn để sở hữu nhà ở thực giá hợp lý
Cũng trong Báo cáo về tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam, 80% người tham gia nhận định giá địa ốc sẽ tăng trong 1 - 5 năm tới, với 40% dự báo mức tăng là 5 - 10% và 23% cho rằng giá nhà, đất sẽ tăng trên 10%. Điều này cho thấy khách hàng và nhà đầu tư vẫn có niềm tin rất lớn vào khả năng phục hồi của BĐS trong năm 2023.
Về loại hình sản phẩm, đa số chuyên gia đều nhận định giá chung cư khó có thể giảm thêm. Tại Hội thảo diễn ra ngày 3/1 vừa qua, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở chung cư của người dân vẫn rất cao thì giá chung cư rất khó hạ, nhất là trong bối cảnh nguồn cung dự án khan hiếm hiện nay. Hơn nữa, tâm lý của người dân trong bối cảnh lạm phát cũng có xu hướng đổ tiền vào bất động sản như một kênh tích trữ an toàn. Đáng chú ý, giá chung cư khu vực ngoại thành sẽ còn tăng hơn khu vực trung tâm vì giá đất ngoại thành tăng lên nhanh.
Chia sẻ trên Nhịp sống thị trường, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng giá chung cư sẽ khó giảm bởi nhìn vào cung – cầu trên thị trường hiện nay, nguồn cung rất ít trong khi nhu cầu nhiều. Cầu thì luôn ổn định, giá vẫn giữ nhưng cung dần cạn.
Ông Quyết cho hay: “Chúng ta cứ mong rằng thị trường sập để chúng ta mua được nhà giá rẻ nhưng rất khó. Vì thị trường sập mà nguồn cung không có thì làm sao có thể mua được. Xét riêng Hà Nội, dân số đang gia tăng. Nhu cầu về nhà ở vẫn cao. Nguồn cung về chung cư trên thị trường thấp. Ngay cả các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên hay Hải Phòng, nguồn cung chung cư ít thì khả năng thanh khoản tiếp tục tốt”.
Cũng với tâm lý này, cách đây 2 tuần, anh Nguyễn Hữu Hoàn (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống tiền mua vào căn hộ 2 phòng ngủ tại dự án Hanoi Melody Residences (Tây Nam Linh Đàm). Đáng chú ý, nhờ thanh toán sớm hơn 95% giá trị, anh được hưởng mức chiết khấu hấp dẫn vào khoảng 30%.
Anh Hoàn chia sẻ: “Căn hộ của tôi có giá ban đầu khoảng 3,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hưởng chiết khấu, tôi chỉ phải trả khoảng 2,2 tỷ đồng. Nhiều người khuyên tôi chờ giá giảm thêm, nhưng thị trường biến động, chờ thêm vài tháng có thể ưu đãi sẽ tăng nhưng cũng có thể khiến cơ hội trôi qua. Trong khi đó cả nhà tôi đều rất ưng căn hộ ở dự án này”.
Có thể thấy, khi nhiều chủ đầu tư các dự án đang triển khai mạnh tay chiết khấu cho người mua, đây chính là cơ hội có 1-0-2 để người mua “săn” hàng tốt giá “hời” trong bối cảnh giá BĐS thủ đô được dự báo sẽ khó giảm thêm, trong khi những BĐS chất lượng luôn khan hiếm và được hấp thụ nhanh.
PV