Theo đó, Bộ đã chỉ đạo xây dựng thành công 746 mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn tại 63 tỉnh/thành phố; hình thành mạng lưới và hệ thống các cơ sở giới thiệu nông sản hữu cơ, sạch, an toàn đến với người tiêu dùng.
Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất. Đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 59.326 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, phát hiện 10.583 cơ sở vi phạm, phạt 80,2 tỷ đồng. Kiểm soát khá tốt việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.
Đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm ở các địa phương: Cà Mau, Kiên Giang, Hà Nội và Bạc Liêu có hành vi bơm tạp chất agar vào tôm nguyên liệu; phát hiện việc tiêm thuốc an thần cho gần 5.000 con heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh)... ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng chất cấm Salbutamol, Vàng ô trong chăn nuôi...
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác này. Đó là hệ thống chính sách pháp luật đã được cơ bản hoàn thiện song còn khó khăn vướng mắc trong triển khai thực tiễn một số văn bản (Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ…). Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn chưa đầy đủ do chưa có lộ trình phù hợp và nguồn lực xây dựng còn hạn chế.
Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại các địa phương vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, ATTP... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ và Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao.
Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng và thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, phát triển các mô hình chuỗi chất lượng cao, đảm bảo ATTP.
Năm 2018, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh ATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...); tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh phát triển sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương.
Thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, mô hình mỗi làng một sản phẩm...
Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề ATTP, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; kết hợp với quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Phấn đấu năm 2018, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đạt 99%, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đạt 97%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản và nông sản xếp loại C được nâng hạng A/B đạt 60%.
Tỷ lệ mẫu thủy sản được giám sát đạt yêu cầu về tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất cấm đạt 98%; tỷ lệ mẫu sản phẩm động vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về phụ gia, chất cấm đạt 83% và tỷ lệ mẫu sản phẩm thực vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật.
Gia Linh