Để tránh tình trạng lợi dụng loại hình tạm nhập - tái xuất phương tiện vận tải đường bộ nước ngoài để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thực hiện không đúng Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào, Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Hoa, Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia và các Nghị định thư hướng dẫn thực hiện các Hiệp định nêu trên.
Mới đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Thủ trưởng các cục hải quan các tỉnh, liên tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai – Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan liên quan đến việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện vận tải nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó, tổ chức triển khai thực hiện những nội dung trọng tâm:
Chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập phương tiện vận tải nước ngoài chủ động tiến hành rà soát, đôn đốc, triển khai thực hiện các biện pháp xác minh, truy tìm để xử lý các phương tiện vận tải nước ngoài đã làm thủ tục tạm nhập tại đơn vị, nhưng đã quá thời hạn tạm nhập mà chưa tái xuất, trên hệ thống chưa thanh khoản tái xuất;
Trường hợp để xảy ra tình trạng có phương tiện vận tải nước ngoài làm thủ tục tạm nhập tại địa bàn do mình quản lý quá hạn tạm nhập chưa tái xuất mà Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập không chủ động thực hiện các biện pháp xác minh, truy tìm, để xử lý vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập phải chịu trách nhiệm, sẽ bị xử lý theo quy định;
Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan quy định tại Chương VII Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ) và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tăng cường thu thập, đánh giá thông tin nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm;
Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc căn cứ quy định của Luật Hải quan, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để tiến hành xác minh làm rõ;
Trường hợp kết quả xác minh xác định vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền khởi tố của cơ quan hải quan thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu căn cứ hồ sơ vụ việc và quy định của pháp luật để giải quyết, khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra, xử lý;
Trường hợp kết quả xác minh xác định vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm nhưng không thuộc thẩm quyền khởi tố của cơ quan hải quan thì chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền;
Trường hợp kiểm tra, xác minh xác định vụ việc vi phạm hành chính thì cơ quan hải quan căn cứ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.
Theo Tổng cục Hải quan: "Qua công tác xác minh, xử lý phương tiện vận tải nước ngoài tạm nhập - tái xuất qua các cửa khẩu đường bộ thời gian qua cho thấy, có hiện tượng lợi dụng chính sách tạm nhập - tái xuất phương tiện vận tải nước ngoài qua các cửa khẩu biên giới đường bộ. Trong đó, tập trung trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia như: làm thủ tục tạm nhập xe ô tô biển kiểm soát Lào, Campuchia vào Việt Nam, nhưng không tái xuất đúng thời hạn theo quy định; đưa xe ô tô biển kiểm soát Lào, Campuchia vào nội địa sử dụng không đúng mục đích giấy phép liên vận".
Nguyễn Kiên