Trong sự phát triển của ngành y tế hiện nay, bên cạnh khối bệnh viện công lập, còn có hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, gồm: các bệnh viện, phòng khám đa khoa và chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân, phòng xét nghiệm… Việc phòng khám đa khoa tư nhân phát triển không chỉ góp phần giảm tải gánh nặng đối với các bệnh viện công lập mà còn tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho người bệnh trong hoạt động khám, chữa bệnh.

phòng khám tư nhân ngoài giờ Sơn Thành Thái
Phòng khám ngoại tư nhân ngoài giờ Sơn Thành Thái

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý nhà nước phòng khám đa khoa tư nhân hiện nay còn bộc lộ những hạn chế, như: hoạt động quản lý nhà nước phòng khám tư nhân chưa thường xuyên; việc ban hành chính sách và kiểm tra, giám sát các phòng khám tư nhân còn chậm, chưa đầy đủ; tình trạng đội ngũ bác sĩ, y tá vừa làm việc trong khu vực công vừa làm thêm trong các phòng khám đa khoa tư nhân dẫn đến những hệ quả tiêu cực; một số phòng khám đa khoa tư nhân hoạt động trái phép, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, bác sĩ thiếu năng lực chuyên môn cũng như điều kiện hành nghề…, có tình trạng thuê người đủ tiêu chuẩn hành nghề khám, chữa bệnh đứng tên, nhưng điều hành phòng khám đa khoa tư nhân lại là người khác. 

Ngoài ra, không tư vấn rõ ràng gói dịch vụ cho bệnh nhân; không đảm bảo về điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; không có bảng hiệu, bảng giá; quảng cáo không đúng phạm vi chuyên môn cho phép, biển hiệu ghi không đúng phạm vi chuyên môn; không mở sổ để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật; sinh phẩm không đủ điều kiện theo quy định, hoạt động xét nghiệm không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo điều kiện khi được cấp giấy phép hoạt động, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề…  

Khá đông bệnh nhân đến khám bệnh tại đây
Khá đông bệnh nhân đến khám bệnh tại đây

Cũng liên quan đến việc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, bạn đọc phản ánh phòng khám ngoại tư nhân ngoài giờ Sơn Thành Thái ở thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có dấu hiệu hoạt động ngoài chuyên môn được cấp phép, hóa chất dùng trong xét nghiệm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, theo phản ánh, biển hiệu treo bên ngoài là phòng khám ngoại nhưng tại đây có hoạt động giống như một phòng khám nội tổng quát khi có các hoạt động khám chữa bệnh như siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm thai, siêu âm tuyến giáp, đo điện tim, truyền dịch và xét nghiệm máu.

Phòng khám ngoại tư nhân này có quy mô 4 tầng và được chia làm nhiều phòng để khám chữa bệnh. Ngay tại tầng 1 có phòng khám bệnh, phòng siêu âm và một phòng để bệnh nhân tiêm truyền và nằm theo dõi bệnh. Khi bệnh nhân đến khám sẽ được một nhân viên ghi họ tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ vào một tờ giấy nhỏ chứ không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong quá trình khám bệnh, nhân viên y tế tại phòng khám này cũng không mặc trang phục y tế và đeo thẻ tên chức danh chuyên môn.

Trong bản dán thông báo danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh thì có danh mục đo điện tim, xét nghiêm máu, tổng quát trong khi biển hiệu của phòng khám này là phòng khám ngoại tư nhân. Tại khu vực chờ khám bệnh của phòng khám ngoại tư nhân ngoài giờ Sơn Thành Thái
Trong bản dán thông báo danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh thì có danh mục đo điện tim; xét nghiêm máu'; tổng quát nhưng trong khi đó, biển hiệu của phòng khám này là phòng khám ngoại tư nhân.

Theo tìm hiểu được biết, phòng khám ngoại tư nhân này chưa được cấp phép danh mục kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh là xét nghiệm máu và truyền dịch. Tuy nhiên, trong bản dán thông báo các danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh tại khu vực hành lang tầng 1 thì có ghi rõ: Siêu âm màu; đo điện tim; xét nghiệm máu; tổng quát. Và trong trường hợp phòng khám tư nhân Sơn Thành Thái thực hiện các danh mục kỹ thuật khi chưa được cấp phép thì đây có thể coi là hoạt động khám chữa bệnh ngoài chuyên môn được cấp phép.

Liên quan đến hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì mới đây, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cũng đã tước giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng là Nha khoa quốc tế Lotus Smile Dental (quận Thanh Khê), Nha khoa A&T (quận Hải Châu), phòng khám bác sĩ Trần Văn Hiền (quận Ngũ Hành Sơn) đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Trước sự việc này, tòa soạn Thương hiệu và Công luận cũng đã có công văn gửi Sở Y tế Bạc Liêu đề nghị làm rõ những nội dung nêu trên, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi. Thiết nghĩ, để giảm thiểu hành vi vi phạm của những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân thì cần tăng cường công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng và liên tục theo dõi đối với các cơ sở đã có những vi phạm và những cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động hoặc bị tước giấy phép.

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, các hành vi bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh bao gồm: 

- Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

- Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.

- Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.

Mức phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể mức phạt vi phạm như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu.

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 2 tháng đến 4 tháng đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

 

Thiên Trường