Ảnh minh họa
Cụ thể, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực 1 (không áp dụng đối với khu vực bến cảng Lạch Huyện) được điều chỉnh tăng 10%, từ 30 USD/cont 20’, 45 USD/cont 40’ lên 33 USD/cont 20’, 50 USD/cont 40’ (đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sàn lan) sang bãi cảng và ngược lại). Riêng đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sà lan) sang sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng và ngược lại, mức giá được điều chỉnh tăng khoảng 50%, từ 18 USD/cont 20’, 27 USD/cont 40’ lên 26 USD/cont 20’, 40 USD/cont 40’.
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng tăng 10% theo lộ trình thực hiện đến năm 2021, từ 46 USD/cont 20’, 68 USD/cont 40’ lên 52 USD/cont 20’, 77 USD/cont 40’.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ cầu, bến, phao neo đối với khách du lịch cũng được điều chỉnh tăng so với Quyết định 3946 của Bộ GTVT, từ 0,99 -1,1 USD/người/lượt lên 2,5 – 3,5 USD/người/lượt. Trước đó, khi lấy ý kiến của các DN, Bộ GTVT đề xuất mức giá này từ 5 - 15 USD/người/lượt nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay đang thiếu trầm trọng cảng, bến dành cho khách du lịch, việc tăng giá để các DN cảng biển bỏ tâm lý "chê" tàu du lịch là tốt nhưng nếu lập tức tăng quá cao có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tâm lý của khách du lịch.
Về mức khung giá một số dịch vụ cảng, biển được xây dựng từ năm 2013 - 2014 theo Quyết định số 386, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Công đánh giá không còn phù hợp. Trong đó, khung giá xếp dỡ container, giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách tại các cảng biển VN ở mức rất thấp so với khu vực.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết,việc tăng phí dịch vụ cảng biển không làm tăng chi phí logistics mà chỉ thu lại số tiền dịch vụ đáng lẽ ra các doanh nghiệp cảng biển được nhận bởi đây là khoản nằm trong phí hãng tàu nước ngoài đã thu của chủ hàng.
Hằng Vương