Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu - Hình 1

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện của 12 bộ quản lý ngành, lĩnh vực (Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương Binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch…) và đại diện của Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các hiệp hội, ngành hàng có liên quan tới hoạt động kiểm tra chuyên ngành và các chuyên gia quản lý kinh tế, chất lượng độc lập. 

Các hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, công tác kiểm tra chuyên ngành còn gây khó khăn, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, trong khi chưa ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu - Hình 2

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam nhấn mạnh: Với mục tiêu đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 75/NQ-CP, Hội thảo hôm nay là diễn đàn để các bộ, ngành quản lý từng lĩnh vực lắng nghe, trao đổi và chia sẻ ý kiến với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập. Đồng thời là diễn đàn mở để đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm định hướng các giải pháp, các đề xuất cụ thể. Từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua việc giảm tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan từ 35% xuống 15% và sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm...

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện muốn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, cần đổi mới cách thức quản lý nhưng đổi mới vẫn phải đảm bảo chất lượng hàng hóa mà không quên quyền lợi người tiêu dùng. Khi triển khai biện pháp đó, với những sản phẩm, hàng hóa mức độ rủi ro thấp hay gần như không có rủi ro thì nên loại khỏi danh sách quản lý. Đối với những sản phẩm gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, theo từng mức độ, có thể đưa vào danh sách để kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, lĩnh vực cần tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 và có các biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19, Nghị quyết 75.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai việc nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Bên cạnh đó, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, lĩnh vực để rà soát các sản phẩm hàng hóa số 2 để loại bỏ hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục. Theo đó, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cắt giảm các loại hàng hóa nhóm 2, cũng như các danh mục sản phẩm không cần thiết cần loại bỏ.

Thu Uyên