Theo đó, năm 2022 tỉnh sẽ triển khai 11 dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng, các năm còn lại ước tính khoảng trên dưới 10 tỷ đồng/năm.

Các ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống được chú trọng đầu tư bảo tồn gồm: Làm bánh tráng, mây tre đan, nhang, mộc gia dụng, gò nhôm, chằm nón lá, nghề rèn, đúc gang…; đồng thời, thúc đẩy phát triển các ngành nghề mới là đặc sản của tỉnh như muối tôm, muối ớt...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tỉnh sẽ hỗ trợ các làng nghề trong vấn đề đào tạo nghề nông thôn với khoảng 4.800 người và nhiều chương trình khuyến công; tiến hành tổ chức lại hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thông qua các hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị.

Cùng đó, Tây Ninh sẽ ưu tiên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại thông qua nhiều chương trình như: hàng Việt về nông thôn, phiên chợ, điểm bán hàng, sàn thương mại điện tử; lễ hội tại các khu du lịch, trung tâm thương mại...;

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào lĩnh vực sản xuất ngành nghề nông thôn, nhằm giảm lao động trực tiếp vào các khâu nặng nhọc, độc hại; xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng các yêu cầu sản phẩm OCOP, gắn với du lịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào một số ngành nghề truyền thống ngày trở nên khan hiếm; sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến chất lượng, mẫu mã không đa dạng phong phú, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ lao động trẻ có tay nghề ngày càng ít; việc kế thừa, bảo tồn các ngành nghề này đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị mai một hoặc thất truyền.

Do đó, chú trọng đầu tư phát triển các ngành nghề nông thôn nhằm mục tiêu phát huy giá trị truyền thống, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

PV