Tạo động lực phát triển

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được ban hành theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 18/06/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới, theo hướng phát huy nội lực, giá trị giá tăng.

Theo đó, tập trung khai thác các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn truyền thống, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát suy sự sáng tạo, sức mạnh cộng đồng trong tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị OCOP, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, Chương trình OCOP tiếp tục là chuyên đề trọng tâm.

Chương trình đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh mẽ (63/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch); 63/63 tỉnh, thành phố đã có kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đến tháng 12/2021: 64,6% sản phẩm 3 sao; 6.010 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; 33,7% sản phẩm 4 sao và 1,3% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Có 81% thuộc nhóm thực phẩm; 8,1% là nhóm lưu niệm nội thất; 3.277 chủ thể tham gia, trong đó, 26,3% là DN; 39,6% là HTX; 32% là cơ sở sản xuất và tổ hợp tác.

Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các DN, HTX... Chương trình đã hình thành 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của DN và HTX; đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương.

Chương trình đã góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các DN Việt (25%), nhất là khu vực miền núi Bắc Trung Bộ 50,6%, Tây Nguyên 45,2%, miền núi phía bắc 43,4%.

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số DN, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối. Đã có 354 chủ thể được kết nối và bán sản phẩm OCOP ổn định trên các hệ thống siêu thị; doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn (khoảng 5.400 làng nghề với gần 2.000 làng nghề truyền thống, khoảng 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động).

Chương trình OCOP đã góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương
Chương trình OCOP đã góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Những khó khăn, tồn tại

Trưởng phòng Quản lý quốc gia Chương trình OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương), TS. Đào Đức Huấn nhìn nhận: Thực tế, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh, nhưng chưa bền vững, điều đó thể hiện, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế.

Bên cạnh đó, thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể; chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, nhất là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại, tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ; quản lý chất lượng, tiêu chuẩn còn hạn chế...

TS. Đào Đức Huấn đánh giá: Chủ thể OCOP chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ; năng lực về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Các cơ quan quản lý chưa quan tâm đến sở hữu trí tuệ trong việc phát triển các sản phẩm OCOP đối với thương hiệu địa phương (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận). Sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sở các địa phương...

Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, để phát triển sản phẩm OCOP, theo TS. Đào Đức Huấn, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP (các chủ thể OCOP xây dựng, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ của địa phương; cơ quan quản lý địa phương về sở hữu trí tuệ).

Cần đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể OCOP; xây dựng hệ thống tư vấn về phát triển sở hữu trí tuệ cho các DN, HTX xã gắn với Chương trình OCOP (trực tuyến, trực tiếp).

Các cơ quan chức năng cần phối hợp triển khai các hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; giám sát hoạt động thực thi quyền về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP; xem xét đưa mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP vào các dự án phát triển tài sản trí tuệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP gắn với khai thác tài sản sở hữu trí tuệ.

Đối với các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể OCOP. Cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh để nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong các hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; hỗ trợ DN, HTX OCOP khai thác các thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển tài sản trí tuệ...

Định hướng Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 với 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; Đồ uống; Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Thủ công mỹ nghệ; Sinh vật cảnh; Dịch vụ du lịch. 7 nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu; Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; Nâng cao năng lực, hiệu quả của các chủ thể; Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; Xây dựng hệ thống giám sát sản phẩm OCOP; Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ; Đẩy mạnh chuyển đổi số.

Anh Minh