“Hợi” – Trong đời sống tâm linh người Việt

Nói về Hợi thì trước hết phải nói đến cái tên của nó, ngoài hợi còn có những vùng miền còn gọi là lợn (miền Bắc), heo (miền Nam). Hợi là một con vật mà khi nhắc đến tên chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gũi, thân quen; một con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là biểu tượng văn hóa và thức ăn hàng ngày của con người. Trải qua dòng lịch sử của Việt Nam, chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm được các nghệ nhân tạo hình cho Hợi với đầy đủ sắc thái và cảm hứng bất tận. Tiêu biểu nhất là tranh Đông Hồ, với tác phẩm “lợn ăn cây ráy” với mẫu hình đã tồn tại suốt bao năm qua như một sự chứng minh sắt đá, hay như đàn lợn âm dương cũng được nhà thơ Hoàng Cầm nhắc đến:

“Mẹ con đàn lợn âm dương/ Chia lìa đôi ngã/ Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu”

Không chỉ đi vào những tác phẩm thơ ca, hội họa từ lâu hợi đã là một hình mẫu lý tưởng của nghệ nhân gốm sứ. Đại diện truyền thông của Tập đoàn Thủ công mỹ nghệ 1102 (Bát Tràng – Hà Nội) chia sẻ, năm 2019 Tập đoàn 1102 cho ra mắt bộ sưu tập “Kỳ Linh Kỷ Hợi” đã tạo được tiếng vang lớn trong lòng người tiêu dùng.

Tết đến – Xuân sang… luận đàm về Hợi ! - Hình 1

Bộ Kỳ Linh Kỷ Hợi của Tập đoàn Thủ công mỹ nghệ 1102 là tinh hoa của sự kết hợp giữa các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng và làng dát vàng Kiêu Kỵ

“Đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tập đoàn chúng tôi đã cho ra mắt bộ Kỳ Linh Kỷ Hợi đó là tinh hoa của sự kết hợp giữa các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng và làng dát vàng Kiêu Kỵ, được chế tác hoàn toàn thủ công qua 22 công đoạn cực kỳ tinh xảo với nguyên liệu gồm quặng sa thạch lấy từ vùng núi Chí Linh (Hải Dương) hòa quyện với phù sa sông Hồng. Ngoài ra, Kỳ Linh Kỷ hợi phiên bản đặc biệt được chế tác từ dòng men Hoàng Kim. Loại men này có màu sắc và âm thanh của kim loại, mang đến cho tác phẩm sự vĩnh cửu, trường tồn theo thời gian” – Ông Nguyễn Trung Thành- Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn 1102 nhấn mạnh.

Theo Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng – Giám đốc Viện Phong Thủy Hoàng Gia Việt Nam, hơi (lợn, heo) là loài vật rất gần gũi với đời người người Việt, được nhà nhà nuôi dưỡng như một cách làm kinh tế thuần nông vùng lúa nước suốt hàng ngàn năm qua. Có lẽ đặc tính đầu tiên nó là rất dễ nuôi, ăn gì cũng được, hiền lành, có sức đề kháng tốt, sinh sản mạnh, lại chóng lớn và nhanh cho thu hoạch. Chính vì vậy, theo dân gian, hợi tượng trưng cho sự an nhàn, sung túc, con cháu đề huề.

Về mặt phong thủy, “Sơn quản nhân đinh, thủy quản tài” nghĩa là tọa hướng của nhà quản lý về con người còn hệ thống mạch nước quản lý về tài chính. Theo ngũ hành, Hợi có tính thủy, thủy đại diện cho tiền tài và trí tuệ. Có lẽ vì thế mà Hợi là loài vật duy nhất được người dân Việt Nam sử dụng làm bình tiết kiệm qua hình tượng con Heo đất.

“Hợi mang lại cảm giác bình an, bình an là gốc của phúc. Theo tục lệ, Hợi còn một trong số ít con vật dùng để “tế thần”, là sản vật được dâng cúng với đầy đủ sự thành tâm và tín lễ. Sau khi dâng cúng lại được chia cho nhiều người để tán và hưởng lộc. Vì vậy, nó có một chỗ đứng rất riêng trong tín ngưỡng tâm linh người Việt” – chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

 “Hợi” – Trong mắt người tuổi Hợi

Nhiều người vẫn tâm niệm rằng, người thuộc năm tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong năm đó. Vậy chúng ta cùng xem “những người trong cuộc” nói gì về cuộc đời mình và đối với họ hợi có ý nghĩa như thế nào.

Tết đến – Xuân sang… luận đàm về Hợi ! - Hình 2

Bộ sưu tậphơn 6000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợn của nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà Sử học Dương Trung Quốc – người đàn ông tài giỏi cầm tinh con Hợi. Khi nói đến nhà Sử học Dương Trung Quốc, hẳn ai cũng nhớ nhất người đàn ông điềm đàm với mái tóc bạc trắng, với những kiến thức vô cùng quý báu nhưng ít ai biết rằng ông có sở thích vô cùng đặc biệt, sưu tập tượng lợn (hợi). Xuất phát từ thú vui sưu tầm con vật mình cầm tinh ứng với tuổi Hợi, cũng là do cơ duyên nên nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một bộ sưu tập ấn tượng gồm hơn 6000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợn đa dạng chất liệu từ gốm, sứ, gỗ, tranh… đến với ông bằng một cái duyên từ những dịp ông đi đó đây.

Ông chia sẻ: “Từ lâu tôi đã có một thú vui sưu tập những con lợn, từ những con lợn đất mộc mạc mỏng manh. Đó từ câu chuyện từ xưa các cụ nhà mình tiết kiệm thường bỏ tiền vào ống tre rạch rãnh ra, sau có nhu cầu bổ ống tre lấy tiền ra. Sau này những tượng đất rất mỏng, cực kì đơn giản không hề qua lò chỉ cần phơi nắng, khi đập vỡ ra sẽ không tiếc con lợn đó. Điều ấy đã tạo một ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với thế hệ của chúng tôi, nó nói đến tinh thần tiết kiệm của người Việt Nam. Bỗng nhiên bảo đi tìm lại những con lợn như thế rất là khó và từ đó tôi bắt đầu sưu tập có cái tôi mua, có cái được người khác tặng, cho…”.

Đặc biệt, vào ngày 23/1/2019, nhà Sử học Dương Trung Quốc sẽ tổ chức buổi triển lãm tại Hà Nội có hơn 6000 tác phẩm về hợi với chủ đề ‘Con giáp của tôi - Lợn sung túc’ với mong muốn gửi đến công chúng thông điệp về một năm mới ấm no và hạnh phúc.

Nữ doanh nhân Đỗ Thu (CEO Công ty Nội thất Trúc Linh – Công ty Trúc Linh) khi chia sẻ về cuộc đời của mình cho hay: “Nói một chút về tử vi tuổi Hợi, là tuổi có ý chí, nhạy cảm trong tìm kiếm của cải, tận dụng mọi thời cơ và cái có của mình để sinh lợi. Tuy nhiên, trong kinh doanh cũng cần phải có yếu tố may mắn. Để khởi đầu sự nghiệp kinh doanh chắc hẳn ai cũng phải trải qua những thăng trầm trong qua trình vận hành doanh nghiệp, nhưng với một cô gái học ngành sư phạm Văn như tôi thì quả thật là một thách thức lớn”.

Do khởi nghiệp từ con số “không” nên việc khó khăn nhất với Công ty Trúc Linh là xây dựng mối quan hệ với khách hàng và nguồn vốn ban đầu. Đến nay, chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu và từng bước thâm nhập vào thị trường. Với một thị trường ngách hẹp như chúng tôi để xây dựng được mối quan hệ thân thiết với khách hàng là cả một quán trình dài phải đầu tư” – doanh nhân Đỗ Thu tâm sự.

Một mùa xuân mới lại về, mùa xuân của những ước mơ, khát vọng. Hy vọng rằng, trong năm Kỷ Hợi sẽ đúng như ý nghĩa của nó mọi người đều được an nhàn, ấm no.

Trang Nguyễn