Lượng bất động sản tồn kho năm 2023

Về tồn kho bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn chứng số liệu báo cáo của 53/63 địa phương cho thấy, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý IV vào khoảng 16.315 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền).

Ảnh internet.
Thách thức của thị trường bất động sản 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm. Ảnh internet.

Cụ thể, chung cư 2.826 căn; nhà ở riêng lẻ 5.173 căn; đất nền 8.316 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.

"Nhìn chung, trong năm 2023, lượng tồn kho bất động sản trong các dự án đối với các phân khúc nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền có xu hướng giảm", Bộ Xây dựng thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) quý IV/2023.

Thị trường bất động sản năm 2024 sẽ gặp hai thách thức

Dự báo về thị trường BĐS trong năm nay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, niềm tin với thị trường sẽ dần được vực dậy khi khoảng 20 cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường BĐS đã ban hành trong năm 2023 sẽ "ngấm" và phát huy tác động tích cực. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của ngân hàng hạ thấp kỷ lục trong năm 2023 khiến một lượng tiền không nhỏ tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có BĐS.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - trong năm nay, nguồn cung mới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại ở hai thành phố Hà Nội và TP. HCM. Trong ngắn hạn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, trong khi nhu cầu lớn sẽ khiến giá bán tiếp tục neo ở mức cao.

Thách thức của thị trường bất động sản 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm. Ảnh internet.
Thách thức của thị trường bất động sản 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm. Ảnh internet.

Thị trường Hà Nội dự kiến ghi nhận gần 16.000 căn hộ chung cư và hơn 6.000 căn nhà ở thấp tầng mở bán mới. Còn tại TP. HCM, nguồn cung dự kiến duy trì hạn chế, đón nhận lần lượt hơn 9.000 căn hộ chung cư và 1.000 căn nhà ở thấp tầng.

Savills Hà Nội cho hay, dự kiến từ năm 2024 trở đi sẽ có khoảng 86.500 căn hộ từ 98 dự án mở bán, tuy nhiên, không tránh khỏi việc căn hộ hạng B (phân khúc trung cấp) vẫn chiếm tỉ trọng cao. Dù vậy, việc nguồn cung mới được bổ sung vào thị trường sẽ có thể tác động tới điều chỉnh lại mặt bằng giá và cải thiện số lượng căn hộ bán ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, còn hai thách thức đối với thị trường BĐS 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm.

Thứ trưởng cho biết, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các doanh nghiệp BĐS thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

X.Hải (t/h)