Thái Bình tận dụng lợi thế của thương mại điện tử để tiêu thụ, quảng bá nông sản, sản phẩm địa phương
Thái Bình tận dụng lợi thế của thương mại điện tử để tiêu thụ, quảng bá nông sản, sản phẩm địa phương (Ảnh: CTTTB)

Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã và đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn Giao dịch thương mại điện tử: Alibaba, Shopee, Sendo...

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử tại các huyện Đông Hưng, Thái Thụy và Hưng Hà nhằm nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ 11 đơn vị xây dựng website, hỗ trợ 5 đơn vị quảng bá thông tin trên website uy tín của Bộ Công Thương; đồng thời hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và xây dựng 3 đơn vị ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh.

Cùng với các hoạt động trên, Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện tiểu mục “Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử” trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; duy trì Sàn Thương mại điện tử tỉnh Thái Bình (ecthaibinh.com), cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP lên Sàn. Hiện nay, Sàn đã có hơn 310 gian hàng với hơn 2.313 sản phẩm được trưng bày, quảng bá trên Sàn với gần 12.000 lượt truy cập.

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử hiện nay cũng gặp một số khó khăn. Trước hết là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia trên Sàn giao dịch điện tử còn thấp. Hoạt động của doanh nghiệp tham gia trên Sàn giao dịch điện tử vẫn còn hạn chế, chủ yếu là quảng bá, do đơn hàng nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp khó cung ứng. Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, nguồn nhân lực quản lý nhà nước lĩnh vực về thương mại điện tử hiện tại còn ít, không chuyên trách, trình độ chuyên môn chưa sâu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quản lý về thương mại điện tử...

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương  tỉnh sẽ tiếp tục duy trì hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Bình; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, thị trường trong nước và quốc tế, trong đó chú trọng kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Alibaba... để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng đặc trưng của tỉnh.

Quỳnh Nga (t/h)