Trong số 9 dự án, có 6 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài.
Một là, Dự án Nhà máy Keystone Electrical Việt Nam sản xuất các loại dụng cụ điện cầm tay và linh kiện kim loại, công suất thiết kế 4,8 triệu sản phẩm/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, tại KCN Liên Hà Thái, sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2025 cho giai đoạn I và quý II/2027 cho giai đoạn II.
Hai là, Dự án sản xuất đế giày Yulong Việt Nam tại Nhà xưởng số NX 18 thuê của Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài Thái Bình (KCN Liên Hà Thái). Dự án có vốn đầu tư 2,6 triệu USD, hoạt động sản xuất từ quý II/2024, với công suất đế giữa EVA 4,8 triệu đôi/năm, đế ngoài RB 4,8 triệu đôi/năm.
Ba là, Dự án sản xuất sản phẩm nhựa chính xác, tổng vốn 2,3 triệu USD. Địa điểm thực hiện tại Nhà xưởng số NX 15 thuê của Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài Thái Bình (KCN Liên Hà Thái). Dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý III/2024.
Bốn là, Dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị vệ sinh DALI Việt Nam, với các sản phẩm vòi nước bồn rửa mặt, bồn tắm, vòi hoa sen. Tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, xây dựng tại KCN Cầu Nghìn (huyện Quỳnh Phụ). Dự kiến, tháng 6/2025, dự án đi vào hoạt động chính thức.
Năm là, Dự án của Công ty TNHH Xuli Cargo Control sản xuất các loại lưới hàng hóa, dây kéo, dây cáp với vốn đầu tư 20,7 triệu USD tại KCN Tiền Hải (Khu kinh tế Thái Bình); dự kiến tháng 5/2025 đi vào hoạt động chính thức.
Sáu là, Dự án sản xuất nhựa biến đổi tính chất và sản xuất đèn Led thông minh, tổng vốn đầu tư 2,68 triệu USD. Địa điểm thực hiện tại KCN Gia Lễ, huyện Đông Hưng. Dự án đi vào hoạt động trong quý II/2024, công suất thiết kế 8.000 tấn/năm hạt nhựa PE, PVC và 150.000 dây đèn Led/năm.
Ba dự án còn lại của nhà đầu tư Việt Nam, gồm Dự án Nhà máy Winsun Toys & Sports Việt Nam của Công ty cổ phần Winsun Toys & Sports Việt Nam tại KCN Liên Hà Thái (Khu kinh tế Thái Bình). Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nhựa PVC nguyên sinh, các sản phẩm may từ vải, quần áo thể thao các loại. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 350 tỷ đồng, dự kiến quý I/2025 sẽ đi vào sản xuất chính thức.
Dự án Nhà máy sản xuất Amoniac của Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin tại Cụm công nghiệp Thái Thọ (huyện Thái Thụy), thực hiện trên diện tích 175.610 m2, tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng.
Cuối cùng là Dự án Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao và các sản phẩm nông nghiệp của Tập đoàn ThaiBinh Seed. Dự án có tổng vốn đầu tư 626 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 9,5 ha tại huyện Quỳnh Phụ, công suất chế biến 50.000 tấn thóc/năm. Dự kiến khởi công vào quý III/2024 và hoàn thành trong năm 2028.
Thái Bình với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2023 là năm Thái Bình chứng kiến làn sóng thu hút đầu tư chưa từng có trong lịch sử. Thu hút FDI của tỉnh đạt hơn 2,9 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022.
Hà Trần (T/h)