Cụ thể, trước đây tại xã Phúc Thuận, người dân chỉ trồng cây keo và một số loại cây ăn quả như táo, ổi,.. là chủ yếu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do hiệu quả kinh tế thấp nên người dân đã cải tạo đất, dần chuyển hướng sang trồng cây chuối tiêu hồng.
Do chuối tiêu hồng là loại cây tương đối dễ chăm sóc, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, cùng với thị trường tiêu thụ ổn định nên quy mô, diện tích trồng chuối tiêu hồng ngày càng được mở rộng.
Cụ thể, với 1ha đất trồng chuối tiêu hồng (tương đương 1.500 gốc chuối) chỉ phải đầu tư giống ban đầu, thu được gần 40 tấn quả. Mức giá bình quân 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 120 triệu đồng.
Những năm tiếp theo có thể sử dụng các mầm của cây "mẹ" làm giống mới. Tuy nhiên, muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả to, đẹp, màu sắc bắt mắt thì cần chọn mầm giống chất lượng, sạch bệnh...
Với việc chuyển hướng sang trồng cây chuối tiêu hồng, bước đầu đem lại thu nhập bình quân cho người dân khoảng 260 triệu đồng/ha, tăng hơn 30% so với thu nhập từ trồng các loại cây trồng khác.
Hiện, toàn xã Phúc Thuận có khoảng 120ha trồng chuối tiêu hồng trong tổng số 473ha vườn cây ăn quả, năng suất bình quân đạt 40-50 tấn chuối/ha/vụ, tương đương khoảng 60ha, hầu hết là trồng chuyên canh.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất của cây trồng này, thời gian tới, UBND xã Phúc Thuận sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên tuyền, tập huấn, nâng cao kiến thức về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất;
Tuyên truyền cho người dân trồng thành vùng, liên kết giữa các hộ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuối tiêu hồng phát triển thành sản phẩm OCOP... nhằm mang lại thu nhập ổn định, giúp nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo...
Hoàng Thăng (t/h)