Tại Hội nghị do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" ngày 31/8 tại TP. Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị và nhấn mạnh, việc cung cấp hồ sơ trực tuyến được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và tạo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đầy đủ, bài bản, khoa học. Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định để chỉ đạo về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng lưu ý, điều quan trọng nhất trong công tác chuyển đổi số là phải có quyết tâm chính trị cao, tất cả phải vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhân thức, gương mẫu đi đầu tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện; có phương pháp, cách làm hay trong chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tỉnh Thái Nguyên .phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh có trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện, trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu này, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, theo đánh giá của Bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Thái Nguyên xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Về xử lý hồ sơ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2024 đến 22/9/2024, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 529.710, đã xử lý xong 518.780 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tới 99,78%; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình trong cả tỉnh đạt 91,32%...
Theo đánh giá của Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, về chỉ tiêu tính minh bạch, điểm trung bình của Thái Nguyên đạt 12,2/18 điểm, tăng 0,7 điểm (điểm trung bình của cả nước là 11,5/18 điểm); về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, điểm trung bình của Thái Nguyên đạt 17,5/18 điểm (điểm trung bình của cả nước là 17,5/18 điểm).
Về nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này được chỉ ra đó là: Công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, dẫn đến người dân, doanh nghiệp chưa thay đổi thói quen trong giải quyết TTHC trên môi trường số, đặc biệt là kỹ năng số của người dân chưa cao, dẫn đến tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến thấp (mới đạt 69,6%). Hiện nay, các cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác này đa số là kiêm nhiệm, do đó còn hạn chế về kinh nghiệm trong tham mưu, triển khai thực hiện, đặc biệt là hạn chế trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ đồng bộ hóa hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia mới đạt 82,59%…
Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, về giải pháp trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất tiếp tục rà soát, kiểm thử dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đối với các TTHC còn lại). Đồng thời khi bộ phận “một cửa” trả kết quả giải quyết TTHC theo quy trình điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông khóa quy trình sau khi trả kết quả.
Tại cuộc họp, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông đã đề xuất với tỉnh thực hiện khảo sát từ góc độ kỹ thuật, tuyên truyền, đánh giá trải nghiệm của người dùng trên Cổng dịch vụ công của tỉnh về các dịch vụ công thiết yếu, từ đó tham vấn cho tỉnh những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Với mục tiêu tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên chủ động mời tư vấn trong nước và quốc tế để tư vấn, đánh giá độc lập, từ đó đưa ra khuyến nghị giúp tỉnh cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết các TTHC. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: Khi đến giải quyết các TTHC, người dân chỉ cung cấp dữ liệu 1 lần, cơ quan Nhà nước không hỏi lại người dân về những thông tin mà cơ quan Nhà nước có. Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến chính là tăng sức cạnh tranh cho tỉnh, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp...
Hoàng Công luận