THCL Ngày 6/4/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức công tác nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016. Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên tổ chức sự kiện này.

Năm 2015, chỉ số PCI của Thái Nguyên đạt 61,21 điểm, vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là năm thứ hai,chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 10 của cả nước. Điểm đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần thì Thái Nguyên có 6 chỉ số tăng điểm, bao gồm:Chỉ số gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; tính năng động; cạnh tranh bình đẳng và chỉ còn 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2014 (hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; chi phí không chính thức).

Ông Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Năm 2016, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có những chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm;tăng cường công khai thủ tục hành chính những thông tin kinh tế, nhất là những cơ chế mới ban hành của tỉnh; không ngừng nâng cao trình độ, đạo đức phong cách làm việc của cán bộ công chức; thủ tục hành chính nhanh gọn hơn. Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, banh hành các chính sách, hỗ trợ pháp lý kịp thời cho DN nhằm tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước”.

Mặc dù trong những năm qua, chỉ số PCI của Thái Nguyên có những chuyển biến tích cực,nhưng vẫn còn những tồn tại - cần sự quan tâm của lãnh đạo trong tiến trình cải thiện chỉ số PCI trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Để nâng cao hơn nữa chỉ số PCI, cũng như năng lực điều hành của chính quyền các cấp và đặc biệt là Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh, cần đưa ra các cam kết lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể về tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư cho các DN thông thoáng nhất, cạnh tranh nhất”.

Bên cạnh đó, ông Thời cũng đưa ra quan điểm đó là để tháo gỡ ý kiến của DN “một cửa nhiều khóa”, cần có sự điều phối nhất quán từ trên xuống cấp cơ sở. Bởi theo ông, ở mỗi huyện, thành phố, có những quan điểm vận dụng khác nhau nên cần có sự thống nhất xuyên suốt để DN có nhiều cơ hội hơn trong quá trình hội nhập.

Đánh giá về sự thay đổi tích cực chỉ số PCI của tỉnh, nhiều DN trên địa bàn công nhận sự bứt phá của chính quyền trong vấn đề thủ tục hành chính một cửa, ngànhthuế, mặt bằng, môi trường… đã được cải thiện rõ ràng. “Tuy nhiên, để PCI cải thiện hơn nữa theo hướng có lợi cho DN thì vẫn còn là một bài toán cần có lời giải với hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thời cơ cho DN phát triển”,bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Tân cương Hoàng Bình chia sẻ.

Trên cơ sở phân tích những tồn tại,bất cấp, cũng như xây kế hoạch cải thiện PCI, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương của Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế. Cần rà soát lại các thông điệp, cam kết, những gì yếu kém sẽ phải cắt bỏ và có giải pháp khắc phục kịp thời. Qua đó, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa để thu hút các nguồn lực, đặc biệt là dự án lớn làm động lực thúc đẩy - xây dựng Thái Nguyên xứng tầm là trung tâm của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Với kết quả mà chỉ số PCI/2015 của Thái Nguyên đạt được, đã một lần nữa khẳng định: Lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp luôn đồng hành, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng DN và người dân vượt qua khó khăn. Đây cũng là cơ sở để tỉnh tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chỉ số PCI năm 2016; đồng thời là đòn bẩy để Thái Nguyên tiếp tục cải cách sâu rộng, xứng tầm là trung tâm kinh tế khu vực miền núi phía Bắc, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngọc Liên