Dự án tiêu thoát lũ vùng III Nông Cống (giai đoạn 1)

Dự án tiêu thoát lũ vùng III Nông Cống (giai đoạn 1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo sở, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa đường giao thông và kênh mương nội đồng.

Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thu hút các nguồn lực trong nhân dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tính riêng trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 21 công trình hồ chứa, 8 đập dâng, 04 trạm bơm, 26 tuyến kênh, được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hoàn thiện, nhiều công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, dự án tiêu thoát lũ vùng III Nông Cống (giai đoạn 1) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, có thêm 46 hạng mục đê, kè, cống từ đê cấp V đến đê cấp I, thuộc công trình phòng, chống thiên tai, góp phần bảo vệ và phát triển nông nghiệp cũng đã được triển khai thực hiện trong năm, như hoàn thiện mặt cắt đê 17,23 km; xử lý kè chống sạt lở, bảo vệ đê 4,20 km; gia cố mặt đê 14,10 km; cải tạo, sửa chữa 4 kho vật tư; xây dựng, tu sửa 6 cống; khoan phụt vữa gia cố nền 2,5 km; xử lý mối 8,09 km. Tất cả các công trình thi công đều đang đảm bảo tiến độ, nhiều công trình đã hoàn thành 100% khối lượng.

Cùng với đó, tỉnh còn đầu tư xây mới, dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật 39 khu trang trại chăn nuôi tập trung, 9 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, 01 cảng cá cấp tỉnh và 02 cảng cá cấp huyện, 04 trung tâm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, tưới, tiêu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, với tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt đạt 89,7% khâu làm đất, 15,4% gieo trồng, 55,7% thu hoạch, 78,2% khâu vận chuyển và 50% chế biến.

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng thủy lợi trọng điểm để chủ động phòng, chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hộ các thể đầu tư xây dựng vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Hoài Thu