Ảnh minh họa

Theo Nghị Quyết số 16/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm lợi thế. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn.

Do vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, gồm: Cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 và nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Để triển khai hiệu quả các nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm xây dựng kế hoạch khối lượng và dự toán kinh phí, gửi về các sở, ngành liên quan để trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch khối lượng và kinh phí hỗ trợ cho từng địa phương.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương khuyến khích, hướng dẫn các đối tượng được hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình có quy mô đủ và vượt điều kiện hỗ trợ. Nhiều địa phương cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng để thu hút doanh nghiệp và khuyến khích các HTX, hộ cá thể đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Sau gần 5 năm triển khai các chính sách hỗ trợ, ngân sách tỉnh đã giao hơn 530 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị thực hiện và đến nay đã thực hiện giải ngân được 440 tỷ đồng.

Nhiều chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, như: Chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau an toàn tập trung, với việc giải ngân gần 88 tỷ đồng, hỗ trợ cho 45 tổ chức, cá nhân sản xuất 247,5 ha rau an toàn tập trung; 54 tổ chức, cá nhân xây dựng 582.349 m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; 74 cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn.

Chính sách hỗ trợ đã và đang góp phần chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần phát triển hạ tầng của các vùng sản xuất nông nghiệp, nâng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác và cao gấp 3 đến 4 lần so với sản xuất một số cây trồng truyền thống.

Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất ra được kiểm soát chất lượng và có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng; đồng thời, nâng cao tính chủ động trong cung cấp, tiêu thụ sản phẩm, huy động được đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách địa phương đầu tư xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh.

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hạ tầng trang trại tập trung quy mô lớn, với nguồn vốn hỗ trợ 117 tỷ đồng, 5 năm qua, chính sách đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định và tạo sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào cho 34 khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Với gần 84 tỷ đồng được giải ngân để thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, từ 2016-2020, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt đối với 17.136 ha cây trồng; trong đó, nhóm cây rau màu gần 4.700 ha, nhóm cây chế biến hơn 9.000 ha, còn lại là nhóm cây thức ăn chăn nuôi. Chính sách đã và đang khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư liên kết sản xuất quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt cho người nông dân, góp phần tăng giá trị sản phẩm từ 50-150%.

Các chính sách hỗ trợ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp này đã và đang thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp.

Hoài Thu