Ghhg

Theo số liệu của Sở Công Thương Thanh Hoá, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 388 chợ truyền thống và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. 

Trong đó, hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ đang phát triển khá mạnh, “phủ sóng” khắp các tuyến đường, khu dân cư với tổng số trên 60 cửa hàng trong tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng, các cửa hàng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ khách hàng đặt hàng trực tuyến qua các siêu phần mềm mua sắm, website, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, giao hàng tận nơi cho khách hàng.

Hệ thống cửa hàng Winmart, WinMart+ là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và kinh doanh. Hiện, hệ thống đã ứng dụng công nghệ số ở 3 lĩnh vực, như sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc toàn bộ sản phẩm; thanh toán quẹt thẻ trên ứng dụng của ngân hàng và đặc biệt chương trình đi chợ hộ online app VinID để khách hàng dễ dàng mua sắm.

Nhờ đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, Winmart+ đã mở rộng được đối tượng khách hàng; doanh thu của cửa hàng luôn ổn định, nguồn hàng hóa cung cấp bổ sung thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Song song với các hình thức bán lẻ thông thường, nhiều DN bán lẻ cũng đang dần tiếp cận với xu hướng mới là bán hàng đa kênh. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, mà ngay cả những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thương nhân, tiểu thương... cũng đang áp dụng.

Ngoài các website của riêng DN, nhiều đơn vị bán lẻ đang tích cực chạy các chương trình khuyến mại của mình qua các nhóm riêng tại facebook, zalo, tiktok... để thông tin đến khách hàng được nhanh và thuận tiện hơn. Có thể nói, việc linh hoạt chuyển đổi các hình thức bán lẻ đã được nhiều DN áp dụng thành công, trong đó thương mại điện tử được coi là “kim chỉ nam”.

Đối với hình thức này, các doanh nghiệp bán lẻ dễ dàng tư vấn các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng và hướng dẫn người dùng sử dụng sản phẩm chính xác... Thêm vào đó là việc hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt nên đã giảm đáng kể thời gian, chi phí phụ trong kinh doanh...

Do đó lượng khách hàng mua hàng qua phương thức này ngày càng lớn trong khi chi phí quảng cáo lại giảm. Đây không phải là hình thức kinh doanh mới tuy nhiên lại là bước đệm để ngành bán lẻ hiện đại phát triển hơn trong thời gian tới.

Không chỉ phát triển sôi động ở khu vực thành phố, tại các huyện miền núi, nhiều cửa hàng kinh doanh nằm trong chuỗi hệ thống của DN lớn như: siêu thị điện máy xanh, thế giới di động và khoảng gần 100 cửa hàng tiện ích xuất hiện, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với hình thức mua sắm hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Sự ra đời của hệ thống bán lẻ hiện đại đã tạo sự đa dạng nguồn cung, đáp ứng tốt hơn thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hình thành tư duy thương mại hiện đại cho người dân.

Hoài Thu