Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhằm gắn bó mật thiết hơn nữa mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản nói chung và với tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đây cũng là dịp để Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, các lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn Thanh Hóa. 17 dự án, do các nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư, hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 86% số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI. Một số dự án quy mô lớn đã đưa vào hoạt động, trở thành hạt nhân, tạo tác động lan tỏa trong tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng Bắc Bộ như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ USD), Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (650 triệu USD), Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD)...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh:
Trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản, kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh, đồng thời tiếp nhận thêm dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.
Nhằm thu hút nhiều dự án FDI từ Nhật Bản và các nước khác, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thanh Hóa cam kết “Luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”; cam kết giảm tối đa thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định.
Tổng thư ký Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Hayashi Motoo cho biết:
Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang là mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh của Châu Á và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng… Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả đáng kể. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lên tới con số 2.000, chiếm tỷ lệ cao nhất châu Á và tăng gấp 3 lần so với 15 năm gần đây.
Ông Hayashi Motoo hy vọng, tại các phiên hội nghị về những chuyên đề kinh tế, lao động, du lịch, giao lưu địa phương…, các ý kiến thảo luận, trao đổi về triển vọng, những vấn đề phải đối mặt, cơ chế chính sách của hai nước sẽ là cơ hội đánh dấu bước phát triển mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam, góp phần cho sự tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa.
Tại phiên thảo luận chuyên đề hợp tác đầu tư, thương mại và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm và Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo, các đại biểu là tổ chức, doanh nghiệp Thanh Hoá và Nhật Bản đã thảo luận nhiều nội dung, như: Liên đoàn các tổ chức Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) nêu những nỗ lực của KEIDANREN và kỳ vọng đối với Việt Nam; Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội trình bày về triển vọng kinh tế, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) bàn về sáng kiến trung hòa carbon và đề xuất giải pháp tiếp cận ở Việt Nam; Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam bày tỏ chiến lược mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực...
Ông Nakajima Takeo cho biết: Các doanh nghiệp Nhật Bản đang trong quá trình xem xét lại chuỗi cung ứng trong toàn hệ thống và các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng được triển khai mở rộng khắp các tỉnh/thành của Việt Nam. Tại khu vực phía bắc, các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định đang thu hút đầu tư rất lớn khi hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, nhất là khi các tuyến đường cao tốc mới đã được đưa vào khai thác.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Mai Xuân Liêm nhấn mạnh, phiên thảo luận đã nhận được những trao đổi rất tích cực của các diễn giả từ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua phiên thảo luận, đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nắm bắt được các nội dung trong kết nối đầu tư, thương mại, đào tạo phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, cũng như tạo cơ hội mở ra những triển vọng hợp tác mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thanh Hóa cũng khai mạc gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản.
Lê Nam