Ảnh minh họa
Hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh Thanh Hoá đã đạt 66,4%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Tỉnh này đang rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và có nhiều giải pháp mạnh để nguồn vốn đầu tư công được hấp thụ nhanh và phát huy hiệu quả.
Chỉ tính riêng tháng 8/2020, Thanh Hoá đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với bình quân hàng tháng trong 7 tháng đầu năm. Tính chung 8 tháng, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt hơn 5.800 tỷ đồng, bằng 50,6% kế hoạch, giải ngân đạt 6.900 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Một số nguồn vốn, chương trình có tiến độ thực hiện và giải ngân đạt trên 50% kế hoạch như: vốn đầu tư công từ nguồn thu tiền sử dụng đất, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước, các chương trình mục tiêu. Đã có 23/57 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch, trong đó có 13 chủ đầu tư giải ngân đạt 100% kế hoạch đã giao.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án trọng điểm, điển hình như: Dự án đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân, dự án đường giao thông nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47, các dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, đặc biệt đối với dự án thuộc lĩnh vực giao thông và các dự án lớn thuộc lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo tổng số kế hoạch vốn năm 2020 của 14 dự án lớn, quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, văn hóa là 2.006 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,2% tổng số vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh quản lý (không bao gồm các dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp làm chủ đầu tư). Trong đó, số vốn giao kế hoạch cho Sở Giao thông - Vận tải quản lý là 1.661 tỷ đồng; số vốn giao kế hoạch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý là 43 tỷ đồng; số vốn giao kế hoạch cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý là 302 tỷ đồng. Đến ngày 31/7/2020, số vốn giải ngân được là 599 tỷ đồng, bằng 29,9% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh.
Trong đó, số vốn giao kế hoạch cho Sở Giao thông- Vận tải Thanh Hóa quản lý đã giải ngân đạt 27,6% kế hoạch, số vốn giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý đã giải ngân được 46,7% kế hoạch vốn được giao; số vốn giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến nay chưa được giải ngân.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó do sự thiếu quyết liệt trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các dự án của chủ đầu tư; sự phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công có lúc, có việc còn chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ; đa phần các dự án bị ảnh hưởng của công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án không đảm bảo, không có khối lượng để giải ngân...
Tại hội nghị bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư là vấn đề “nóng” và lớn, giải ngân đầu tư công không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn tạo sức hút đầu tư cho tỉnh, do vậy các sở, ban, ngành, chủ đầu tư cần phải có quyết tâm, quyết liệt để thực hiện.
Cùng với đó cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các chương trình, dự án, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 trước ngày 30/11/2020; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Hoài Thu