Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong những năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cấp, các ngành, đã tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức trong cộng đồng xã hội. Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường và có hiệu quả cao hơn.
Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, huy động được các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng.
Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều vùng sản xuất rau, quả an toàn, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao được hình thành và nhân rộng giúp người dân trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận với nhiều thực phẩm an toàn. Công tác giám sát và phòng chống ngộ độc thực phẩm được quan tâm, tình hình ngộ độc thực phẩm được kiểm soát, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt.
Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩmở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn và diễn ra và chưa được giải quyết triệt để...
"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023" diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2023, là hoạt động khởi đầu quan trọng, thiết thực nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; là điểm nhấn tạo đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hoạt động chính trong tháng hành động là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phát biểu tại lễ phát động, đại diện Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hoá đề nghị các cấp, các ngành và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh bám sát chủ đề, các hoạt động diễn ra trong tháng hành động để có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức lễ phát động tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn tổ chức lễ phát động, hoặc hội nghị triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn để tạo hiệu ứng, sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Khánh An