“Thượng đế” "đụng phải" hàng hóa hết hạn sử dụng - date
Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, ngày 27/03, PV Thương hiệu & Công luận đã “mục sở thị” tại siêu thị Co.op mart Thanh Hoá. Trong vai người tiêu dùng, PV đã đi mua hàng để tìm hiểu và ghi nhận, phát hiện ra nhiều điều “ngạc nhiên”.
Qua khảo sát thực tế tại siêu thị Co.op mart Thanh Hóa ngày 27/03, chúng tôi ghi nhận tại đây có rất nhiều sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng, có mùi hôi thối, nhiều sản phẩm đã cận và hết hạn sử dụng.
Tại khu vực bán sản phẩm hoa quả, xoài giống Úc đạt tiêu chuẩn Vietgap, xuất xứ Tiền Giang đang bán giá 45.000 đồng/kg, nhưng có nhiều quả đã ngã màu thâm, có chỗ thối, bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra, được bày bán trên những kệ hàng. Ảnh dưới là minh chứng cụ thể.
Tương tự, tại kệ bày bán quýt đường cũng có xuất xứ từ Tiền Giang, hiện đang được Co.op mart bán khuyến mại với giá 48.000 đồng/kg. PV phát hiện nhiều quả đã nhũn, có mùi thối, chạm tay nhẹ vào quả quýt là chảy phần nước thối ra sàn, rất mất vệ sinh.
Chưa dừng lại ở đó, tại gian hàng táo hộp Rockit, số lượng 2 ống/hộp, có xuất xứ từ New Zeland do Công ty cổ phần rau quả Bình Thuận nhập khẩu, ngày đóng gói 10/03/2022, hạn sử dụng được ghi là 15 ngày kể từ ngày đóng gói. Thế nhưng, căn cứ theo thông tin sản phẩm từ nhà cung cấp, thì táo hộp Rockit đã hết hạn sử dụng từ nhiều ngày qua, nhưng không hiểu vì lí do gì, Co.op mart vẫn bày bán mặt hàng đã hết hạn sử dụng nói trên.
Không chỉ các sản phẩm hoa quả đã hết hạn sử dụng, vẫn đang được bày bán công khai, tại tầng 2, gian hàng mỹ phẩm cũng xuất hiện sản phẩm đã quá hạn sử dụng từ cuối năm 2021. Cụ thể, sản phẩm Acnes C10, NSX 04/11/2019, HSD 04/11/2021 nhưng đến nay vẫn được Siêu thị bày bán dưới hình thức cho khách hàng dùng thử.
Để làm rõ thắc mắc, PV Thương hiệu & Công luận, trao đổi nhanh với nhân viên bán hàng thì được lý giải rằng: “Mặc dù vỏ đã hết hạn, nhưng sản phẩm bên trong vẫn dùng được”. Cũng theo nhân viên này thì, "tại Siêu thị chúng tôi có thể chiết mỹ phẩm từ lọ này sang lọ khác". Khi phóng viên cố tình quay sang nhìn sản phẩm khác, nhân viên đã nhanh tay tẩu tán lọ mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng đi nơi khác.
Theo quy định, đồ dùng, đồ ăn uống phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu. Hiện nay, lợi dụng tâm lý “sính hàng ngoại” cũng như lòng tin của người tiêu dùng, không ít chủ cửa hàng đã sử dụng chiêu bài quen thuộc là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc xách tay, bất chấp luật định, sức khoẻ của người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Khi xảy ra vấn đề ngoài ý muốn, thiệt hại không ai khác chính là người tiêu dùng.
Thực phẩm ngã màu, có dấu hiệu thay đổi tem nhãn
Một trong những khu vực được nhiều khách hàng quan tâm là khu vực thực phẩm, đồ ăn uống. Nhưng tại “điểm nóng” này, PV Thương hiệu & Công luận được tận mắt nhìn thấy rất nhiều thực phẩm có màu sắc kém tươi.
Là người từng tìm hiểu về thực phẩm đông lạnh, chúng tôi cũng không khó để nhận ra thịt gà, cá, mực, thịt lợn, ruột ốc đã để quá lâu khiến thực phẩm ngã màu, nếu sử dụng sẽ không an toàn và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tại khu vực làm bánh và bán bánh ngọt, rất nhiều sản phẩm chỉ còn hạn sử dụng trong ngày 27/03.
Đến hàng hoá không tem, nhãn mác
Ngay khi đặt chân vào sảnh tầng 1 của siêu thị Co.op mart Thanh Hóa, người tiêu dùng rất dễ dàng nhìn thấy vô số sản phẩm là đồ chơi của trẻ em không có nhãn phụ tiếng Việt, khi PV đưa điện thoại lên chụp, thì bất ngờ nhân viên bán hàng tiến gần và đề nghị không được chụp ảnh những sản phẩm này.
Cũng tại tầng 1 và tầng 2, rất nhiều thực phẩm như thịt, cá, rau quả, khăn giấy…không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.
Tại gian hàng bánh kẹo rời, có một số loại không thấy ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đọc thông tin trên bao bì sản phẩm thì thấy “NSX/HSD: in trên bao bì”, nhưng PV xoay ngang, xoay dọc sản phẩm vẫn không thể thấy hạn sử dụng được ghi ở đâu?
Từ đó, người tiêu dùng không biết sản phẩm kẹo này có thực sự còn hạn sử dụng nữa hay không?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ý kiến của cơ quan chức năng về những sản phẩm, hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn...tại siêu thị Co.op mart Thanh Hóa và những diễn biến tiếp theo của vụ việc.
Kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng sẽ bị xử phạt theo điểm a, khoản 1, Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP và khoản 18, Điều 1, Nghị định 124/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Đối với hàng hóa có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
– Đối với hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Lê Nam- Hoàng Đức