Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo đó, kết quả trong 6 tháng đầu năm 2020, trong 3 chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa, có 1 chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, 2 chỉ tiêu xuất khẩu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 66.648 tỷ đồng, tăng 7,3% cùng kỳ.

Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu gặp khó, như: Lọc hóa dầu, may mặc, giày da, bia, thủy điện, tinh bột sắn… Một số dự án tiếp tục chậm tiến độ do ảnh hưởng về nguồn vốn,… Xuất khẩu đạt 1.559 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, đặc biệt là mặt hàng may mặc, giày da xuất đi Mỹ và các nước EU. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 51.152 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Thanh Hóa, dự báo 6 tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp và thương mại sẽ được phục hồi, do dịch COVID-19 được nỗ lực khống chế. Một số mặt hàng sẽ tiêu thụ tốt hơn, nhất là các mặt hàng, như: Sản phẩm lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến, phân bón, sữa, điện thương phẩm, dầu ăn… Tuy nhiên, để bù đắp sản lượng bị sụt giảm trong 6 tháng cuối năm, giữ mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành Công Thương và các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động thích ứng với điều kiện sản xuất và thị trường, nhằm hạn chế mức thiệt hại.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn có những diễn biến khó lường, ngành Công Thương cần tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời bám sát tình hình sản xuất, linh hoạt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu cao nhất cho thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại năm 2020.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa  cũng đề nghị, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tình hình thị trường, năng động trong các giải pháp thích ứng, thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, tiêu thụ với các hiệp hội ngành, các cấp chính quyền để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ; tăng cường hợp tác, chia sẻ trong hoạt động chuỗi cung ứng.

Mặt khác, giao Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở, ngành tạo mọi điều kiện để các nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm đang có lợi thế trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp hoạt động ổn định; tăng cường hỗ trợ các DN trong xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; kịp thời cung cấp thông tin, giúp các DN tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hoài Thu