Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so cùng kỳ 2022; điều chỉnh tăng vốn 43,4 triệu USD cho 3 dự án; tiếp nhận 6 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại với tổng vốn khoảng 5,1 triệu USD.
Trong đó, có một số dự án lớn, như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng), Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (1.098,5 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Nghi Sơn Global (860 tỷ đồng), dự án Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, Bá Thước (320 tỷ đồng), dự án Nhà máy Green Leader Việt Nam (30 triệu USD)…
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 19 dự án (9 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 8.122,3 tỷ đồng và 131,43 triệu USD, chiếm 93,1% tổng vốn đăng ký; thương mại dịch vụ 11 dự án, tổng vốn đầu tư 366,7 tỷ đồng, chiếm 3,1%; nông nghiệp 3 dự án, tổng vốn 459,5 tỷ đồng, chiếm 3,8%.
Được biết, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện cho 68 dự án đầu tư lớn, trọng điểm, bao gồm: 21 dự án đầu tư công, 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 32 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, 2 dự án FDI, 9 dự án có sử dụng đất lĩnh vực phát triển khu đô thị và khu dân cư, 1 dự án lựa chọn nhà đầu tư (Trung tâm thương mại phường Quảng Thành).
Trong đó, có 16/68 dự án thuộc danh sách các dự án trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2020.
Đến nay, có 29 dự án đang triển khai thực hiện; 33 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư; 6 dự án (thuộc diện ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư) đang thực hiện hồ sơ, thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định; hiện có 39/68 dự án có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hoài Thu