Các doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn.
Các doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo đó, ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4511/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa (DDCI Thanh Hóa).

Đề án được ban hành kèm theo bộ chỉ số 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện. Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) là đơn vị chủ trì triển khai Đề án.

Ngay sau khi Đề án được ban hành, VCCI Thanh Hóa đã phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Liên hiệp Hội khoa học và Kỹ thuật, các câu lạc bộ  doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa để triển khai công tác khảo sát.

Hiện nay, Đề án DDCI Thanh Hóa đang triển khai đến công đoạn thu hồi phiếu khảo sát. 

Ông Đỗ Đình Hiệu, Chủ tịch VCCI nhánh Thanh Hóa cho biết: Mục tiêu chung của DDCI hướng tới việc tìm ra những trở ngại, những nút thắt liên quan trực tiếp đến năng lực điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại cấp sở, ngành, địa phương. Từ đó, nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh.

Để thực hiện Đề án có hiệu quả, bảo đảm chất lượng đánh giá, VCCI Thanh Hóa đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, tuyên tuyền mạnh mẽ hơn nữa để các doanh nghiệp tích cực tham gia phản hồi khảo sát. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cung cấp kịp thời, đầy đủ danh sách các doanh nghiệp có tương tác với đơn vị. Và quan trọng nhất là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sẽ tích cực tham gia khảo sát, đánh giá khách quan, phản ánh trung thực ý kiến của mình, góp phần đánh giá chính xác năng lực điều hành kinh tế, chất lượng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của các đơn vị được đánh giá.

Việc tỉnh Thanh Hóa ban hành triển khai đề án là một tư duy đổi mới, tích cực, nhằm hỗ trợ cho khâu cải cách hành chính và thu hút đầu tư, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ cơ sở, thậm chí là cấp phường, xã.

Hiện nay, cả nước có 53 địa phương đã triển khai đánh giá DDCI. Với các địa phương triển khai DDCI một cách nghiêm túc đã sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá DDCI như đòn bẩy để thúc đẩy tính chủ động của các cơ quan, tổ chức, vị trí việc làm trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, và đều thu được kết quả tích cực.

Hoài Thu