Từ nguồn vốn xã hội hóa, Trường THCS Minh Khai được cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp.
Từ nguồn vốn xã hội hóa, Trường THCS Minh Khai được cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp.

Năm học 2021-2022 và 2022-2023, Trường THCS Quang Trung (phường Ba Đình) đã vận động nguồn xã hội hóa giáo dục từ cha mẹ học sinh số tiền gần 1 tỷ đồng, vận động xã hội hóa bằng hiện vật 58 máy điều hòa, trị giá 522 triệu đồng.

Từ nguồn xã hội hóa, nhà trường đã sửa chữa phòng học, phòng hội trường, sân khấu; cải tạo, sửa chữa tường phía bên ngoài, sơn lan can hành lang, sơn 15 phòng học khu nhà 3 tầng, sơn bên ngoài khu nhà 4 tầng, ốp lát nền và tường 18 phòng vệ sinh; thay thế và làm mới hệ thống điện, nước của nhà trường; sửa chữa và đóng mới bàn ghế học sinh, giáo viên; lắp đặt 5 tivi cho 5 phòng học...

Qua 2 năm xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất của Trường THCS Quang Trung được cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đã tạo điều kiện tốt hơn cho giáo viên giảng dạy, học sinh học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, Trường THCS Minh Khai (phường Trường Thi) đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là phụ huynh học sinh cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục của nhà trường.

Vì thế, trong 2 năm học vừa qua, Trường THCS Minh Khai đã huy động xã hội hóa từ cha mẹ học sinh được gần 1,1 tỷ đồng để sửa và thay thế thiết bị tin học, lắp đặt hệ thống camera, máy tính, máy chiếu cho các phòng học; cải tạo, sửa chữa các phòng học bộ môn, xây dựng sân khấu ngoài trời phục vụ cho các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cải tạo khuôn viên trường học.

Nhà trường cũng lắp đặt thêm đường điện dự phòng, bảo dưỡng thay thế các thiết bị điện, lắp quạt treo tường và điều hòa cho khu nhà hành chính mới; đóng mới thêm bàn ghế và sửa chữa bàn ghế cũ cho học sinh... Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ và hiện đại là nền tảng cơ bản để Trường THCS Minh Khai không ngừng vươn lên nâng cao chất lượng dạy và học.

Những năm qua, việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường được thành phố và các phường, xã quan tâm. Các nhà trường cũng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, số học sinh hàng năm tăng rất nhanh, mỗi năm tăng trên 2.500 học sinh nên nhiều trường vẫn thiếu phòng học hoặc đang phải sử dụng các phòng học chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống trường, lớp tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống các trường tư thục trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, thành phố có số trường ngoài công lập nhiều nhất trong tỉnh (33 trường). Trong đó có 20 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 6 trường THCS, 4 trường THPT.

Những trường này được các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng với hệ thống cơ sở vật chất, phòng, lớp học hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập, giảng dạy và sự phát triển giáo dục. Điển hình như Trường Mầm non Vườn Mặt Trời (phường Đông Vệ) được đầu tư trên 40 tỷ đồng xây dựng. Hằng năm, nhà trường vẫn tiếp tục được đầu tư thêm các trang thiết bị mới, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất.

Cô Đỗ Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vườn Mặt Trời cho biết:

“Để phục vụ tốt công tác dạy và học, năm 2023, nhà trường được đầu tư thêm vườn cổ tích, thay mới một số đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, xây dựng thư viện và một số phòng học chức năng khác và được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II vào tháng 5-2023. Chủ đầu tư còn xây dựng trang trại khép kín diện tích hơn 2,3 ha, với tổng số vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng. Đây là nơi cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho trẻ theo học tại trường. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, đa chức năng, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp dạy học đã từng bước khẳng định được chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì vậy, số học sinh học tại trường tương đối đông, duy trì từ 600 - 650 trẻ”.

10 năm qua (2013-2023), thành phố đã huy động được 173 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đóng góp để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học. Riêng năm học 2022-2023 huy động được 18 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, đồ dùng dạy học.

Để phát huy được sức mạnh của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, thành phố và các phường, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của xã hội hóa giáo dục. Cùng với chủ trương, chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục chất lượng cao, thành phố đã xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư cho từng giai đoạn.

Để nguồn lực xã hội hóa được sử dụng đúng mục đích, UBND thành phố đã ban hành công văn hướng dẫn việc thực hiện các khoản thu - chi trong cơ sở giáo dục công lập. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phê duyệt kế hoạch vận động xã hội hóa của các nhà trường trong từng năm học.

UBND các phường, xã phối hợp với ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường khảo sát tình hình cơ sở vật chất để có kế hoạch vận động xã hội hóa phù hợp.

PV (T/h)