Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đầu tư công nghệ hiện đại chế biến gạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đầu tư công nghệ hiện đại chế biến gạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng

Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm gạo đầu tiên là nếp cái hoa vàng Quý Hương vào năm 2019, đến nay doanh nghiệp đã có 11 sản phẩm gạo có đăng ký bảo hộ độc quyền, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Hiện mỗi vụ công ty liên kết sản xuất từ 800 đến 1.000 ha lúa nguyên liệu, giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích từ 1,3 lần trở lên. Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm gạo đã giúp doanh nghiệp tăng thị phần tiêu thụ.

Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê Đỗ Thế Anh, cho biết: “Sản lượng gạo tăng dần lên qua các năm từ 15 đến 20%, mở rộng ra các tỉnh, hướng tới sẽ xuất khẩu. Đây là hướng đi đúng, công ty sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều thương hiệu cho sản phẩm gạo của xứ Thanh".

Nghề chế biến nước mắm và chế biến hải sản xã Quảng Nham (Quảng Xương) cũng đang có xu hướng phát triển khá. Một trong những nét đặc trưng làm nên tên tuổi nước mắm Quảng Nham - chính là nước mắm truyền thống, được sản xuất toàn bằng phương pháp thủ công.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở lớn trên địa bàn xã đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, thực hiện quy trình kỹ thuật bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện công bố các tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký nhãn mác sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng về sản phẩm truyền thống.

Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, xã Quảng Nham, Thạch Văn Hiểu, cho biết:

“Năm 2019, từ hộ cá thể, gia đình tôi đã thành lập doanh nghiệp. Cùng với việc tiếp tục duy trì phương pháp sản xuất truyền thống, doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị đóng chai, các loại sản phẩm mắm truyền thống cũng được hoàn thiện hồ sơ để Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thành công sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho sản phẩm vươn xa”.

Thời gian qua, huyện Quảng Xương đã định hướng, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng làng nghề, máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% sản phẩm làng nghề được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và có ít nhất 10 sản phẩm OCOP là sản phẩm làng nghề.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều làng nghề cũng đã khẳng định được sức sống trường tồn, sản phẩm không chỉ khẳng định sức cạnh tranh trên “sân nhà”, mà còn xuất khẩu thành công như cói mỹ nghệ (Nga Sơn), đồ mộc xã Hoằng Đạt và Hoằng Hà (Hoằng Hóa)... Các sản phẩm làng nghề, đã tạo ra giá trị hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương cùng các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm các làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng website giới thiệu, quảng bá, tăng sức tiêu thụ và lan tỏa sản phẩm từ các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Việc phát triển và quảng bá nhãn hiệu là yếu tố quan trọng trong phát huy giá trị của thương hiệu, nhằm từng bước ổn định đầu ra cho sản phẩm. Thanh Hóa hiện có gần 30 sản phẩm truyền thống, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 317 sản phẩm OCOP, trong đó phần lớn là nông sản.

Tỉnh đã và đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm; chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu.

PV (Th)