Hiện giá trị của thương vụ này chưa được Thế Giới Di Động tiết lộ. Tuy nhiên, căn cứ theo giá thị trường cổ phiếu Trần Anh (TAG) trong phiên giao dịch ngày 2/1, Thế Giới Di Động có thể chi ra gần 850 tỷ đồng trong thương vụ nói trên để mua lại 95% số cổ phần (23,6 triệu cổ phần) của Trần Anh.

Được biết, trong 9 tháng năm 2017, Trần Anh có doanh thu hơn 2.400 tỉ đồng và đặt mục tiêu hơn 4.000 tỉ đồng trong năm 2018. Việc về cùng một nhà với Thế Giới Di Động sẽ ngay lập tức gia tăng hơn nữa quy mô của Trần Anh, giúp tăng cường khả năng mua hàng của cả Điện máy Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) và Trần Anh với các nhà cung cấp.

Thế Giới Di động chi gần 850 tỷ đồng để mua lại hệ thống điện máy Trần Anh - Hình 1

Thế Giới Di động đã chính thức "thâu tóm" điện máy Trần Anh

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sáp nhập giữa hai đơn vị giúp gia tăng sức mạnh cho cả hai bên, đặc biệt việc mua lại Trần Anh được ví như “hổ chắp thêm cánh” cho Thế Giới Di Động, bởi lẽ chuỗi bán lẻ điện máy Điện máy Xanh đang rất thành công trên khắp cả nước nhưng cần gia tăng hiện diện tại miền Bắc, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội và các thành phố lớn. Trong khi đó, Trần Anh là một thương hiệu bán lẻ lớn được biết đến rộng rãi tại đây, hệ thống 34 siêu thị của Trần Anh có quy mô lớn, vị trí đắc địa và có thể bổ sung thêm nhiều ngành hàng đa dạng và cao cấp hơn.

Trước mắt, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục sử dụng thương hiệu Trần Anh, có thay đổi về cách thức bán hàng tuy nhiên đảm bảo rằng khách hàng sẽ được hưởng chính sách hậu mãi và chất lượng phục vụ vượt trội theo chuẩn của Thế Giới Di Động đã được thị trường công nhận trước nay.

Hiện Thế Giới Di Động là doanh nghiệp xếp hạng nhất trong Top 10 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam theo danh sách của Tạp chí bán lẻ châu Á (Retail Asia) và tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International năm 2016 trong khi Trần Anh là doanh nghiệp xếp hạng thứ 8.

Ngọc Linh