Những năm gần đây, giá thu mua mía giữa các nhà máy không có chênh lệch nhiều, tạo sự yên tâm cho bà con. Tuy nhiên, cách tính chữ đường, tỷ lệ rác mía và cân trọng lượng mía vẫn đang là điều để lại nhiều hoài nghi. Chính việc không thống nhất trong cách tính đã không xây dựng được lòng tin giữa nhà máy và người nông dân suốt thời gian dài. Yêu cầu tạo sự minh bạch trong hoạt động thu mua mía đường đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay.
Vì làm mía thua lỗ, nông dân không chăm sóc hoặc bỏ vườn hoang
Nông dân Kim Phúc, ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết, niên vụ mía 2016-2017 vừa qua, gia đình ông có 6 công mía trồng liền kề với nhau, xuống giống cùng ngày, trồng một loại giống, thu hoạch cùng ngày, chỉ khác phương tiện vận chuyển đến bàn cân của công ty, nhưng chữ đường lại chênh lệch nhau từ 1-2 CCS. Điều đáng nói là phương tiện chở nhẹ hơn thì chữ đường cao hơn (?).
Cùng một mảnh đất, thu hoạch một ngày nhưng ghe nhỏ chữ đường lúc nào cũng cao hơn ghe có trọng tải lớn hơn khiến người trồng mía hoài nghi
Điều đáng lưu tâm là vài ba năm trở lại đây, mỗi lần tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, cử tri ở vùng mía nguyên liệu đều kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND về việc cần minh bạch trong xác định chữ đường của Công ty mía đường Trà Vinh. Thậm chí, nhiều nông dân còn tụ tập, yêu cầu Công ty mía đường Trà Vinh trả lời rõ ràng sự việc "vì sao chữ đường lại thấp đến mức bất thường như vậy?".
Liệu rằng, những vườn mía này vẫn được nông dân giữ lại hay rồi cũng sẽ thay thế bởi cây trồng khác?
Trước bức xúc, mong muốn của người trồng mía - cũng được chính quyền tỉnh Trà Vinh đồng tình và xem đây là đòi hỏi chính đáng, ngày 18/9/2014, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trà Vinh đã tiến hành “Giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh việc thực hiện nghĩa vụ thuế và công tác bảo vệ môi trường tại Công ty mía đường Trà Vinh”.
Qua đó, đề nghị Công ty mía đường Trà Vinh kiểm tra lại quy trình thực hiện, máy móc và thiết bị trong việc xác định chữ đường; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cùng giám sát khi thực hiện để công khai cho dân biết…
Bởi, chỉ cần cách tính chữ đường không chuẩn xác, mỗi tấn mía, bà con mất đi 1 - 2 chữ đường (CCS) là đã mất đi một khoản tiền không hề nhỏ. Nếu niềm tin không được củng cố, người trồng mía không còn gắn kết với nhà máy, sẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, người nông dân chỉ biết “kiêu trời” mỗi khi mùa thu hoạch mía đến!
Tuy Công ty mía đường Trà Vinh cùng với ngành nông nghiệp địa phương đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp “cứu” cây mía; nhưng xem ra “lực bất tòng tâm”. Nếu giá mía nguyên liệu tiếp tục đứng ở mức thấp, người trồng mía thu không đủ bù chi, vùng mía nguyên liệu của tỉnh tiếp tục bị thu hẹp và hệ luỵ là nhà máy đường Trà Vinh “đói” nguyên liệu là điều khó tránh khỏi...
Cao Diên - Hải Dương