Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế khi sức tiêu thụ tăng lên.

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).

Đáng chú ý doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2023 ước đạt 377,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2023 ước đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước do tháng 7 là tháng cao điểm mùa du lịch hè.

Thị trường bán lẻ, dịch vụ khởi sắc trở lại
Thị trường bán lẻ, dịch vụ khởi sắc trở lại

Như vậy có thể thấy rằng, điểm quan trọng khi nhìn vào mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 7 tháng so với các năm trước là có sự đóng góp lớn của lĩnh vực lưu trú, và du lịch lữ hành vào mức tăng trưởng chung.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công thương cho hay, sức mua của thị trường nội địa đã phục hồi tương đối mạnh mẽ, là điểm sáng tích cực trong bối cảnh nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa khác gặp khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ du lịch trong tháng 7/2023 là minh chứng về sự khởi sắc của nền kinh tế.

Đề cập đến tác động tích cực của thị trường trong nước, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng đồng thuận việc tiêu dùng nội địa khởi sắc tạo đà cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh, bù đắp khó khăn do hoạt động xuất khẩu hàng hóa còn nhiều thách thức.

Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh.

Theo công bố của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 1 triệu du khách trong tháng 7. Đây là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa vào tháng 3 năm ngoái.

Để “thúc” tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, các DN cũng đang triển khai nhiều chính sách để kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam khuyến mãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng, như: Mua 2 tính tiền 1, Giờ vàng giá sốc, khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, giảm giá lên đến 90%... Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng khuyến mãi, giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua 1 sản phẩm sẽ được tặng 1 sản phẩm cùng loại.

Các địa phương đang nỗ lực tổ chức kết nối cung cầu để tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, có các chương trình khuyến mại riêng để kích cầu thị trường. Chẳng hạn trong tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố với đối tượng tham gia là các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - Ha Noi Midnight sale 2023 diễn ra từ ngày 24 - 25 (Black Friday), thu hút khoảng 200 DN, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nửa cuối năm, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Còn theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, thời gian tới sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ DN nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa, từ đó đơn vị sản xuất đưa ra sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất.

Thiên Trường