Các hãng bánh lớn đồng loạt đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới

Theo khảo sát, ở một số tuyến đường trên địa bàn TP. Hà Nội như Lê Đức Thọ (quận Nam từ Liêm), Hồ Tùng Mậu, Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), Kim Mã (Ba Đình)… luôn “án ngữ” những gian hàng của các hãng bánh lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica…

Giá bánh năm nay không có biến động nhiều, chỉ tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/cái so với năm trước. Hiện, mức giá phổ biến từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/cái, tùy loại và thương hiệu.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn phổ biến các dòng bánh truyền thống có vị trà xanh, thập cẩm, sầu riêng… của các thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Bibica…

Để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, năm nay các nhà sản xuất đã tung ra thị trường nhiều mẫu mã mới lạ, bắt mắt.

Thị trường bánh trung thu 2019: Khó kiểm soát chất lượng bánh “handmade” và nhập khẩu? - Hình 1

Các sạp bán bánh trung thu xuất hiện khắp các tuyến phố trên địa bàn TP. Hà Nội

Cụ thể, Bibica đưa ra thị trường loại mới với nguyên liệu bánh làm hoàn toàn rau củ từ tự nhiên, giàu dinh dưỡng như cà rốt Đà Lạt, cà chua bi Đà Lạt, dâu tằm Đà Lạt, dưa lưới Nhật....

Công ty Mondelez Kinh Đô cũng giới thiệu ra thị trường 5 hương vị bánh ngọt trứng muối gồm bánh nhân ngũ hạt, bánh nhân hạt sen, bánh nhân sầu riêng, bánh nhân trà xanh và bánh nhân đậu xanh lá dứa. Ngoài ra, sản phẩm bánh dùng đường ăn kiêng với vị ngọt nhẹ dành cho đối tượng khách hàng lớn tuổi, hoặc người đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, cũng được ra mắt trong mùa bánh năm nay.

Thị trường bánh trung thu 2019: Khó kiểm soát chất lượng bánh “handmade” và nhập khẩu? - Hình 2

Để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, năm nay các nhà sản xuất đã đồng loạt tung ra thị trường nhiều mẫu mã mới lạ...

Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị cũng đưa ra thị trường nhiều bộ sản phẩm, như: Thanh Nguyệt 2019; Trường Thịnh – sung túc, phú quý bền lâu; Trường Phúc – hạnh phúc đong đầy; Trường Phát – phát tài, phát lộc; Trường Khang – dồi dào sức khỏe; Trường An – bình an, viên mãn; Tứ Quý – vững vàng, sang quý và bền chặt…

Cẩn trọng với chất lượng bánh “handmade”

Bên cạnh những hãng bánh lớn, thì loại bánh Handmade cũng được rao bán rầm rộ trên mạng, được nhiều người tiêu dùng đặt mua.

Loại bánh này được làm thủ công, nên đa dạng về kích thước, mẫu mã, màu sắc cũng rất bắt mắt nên được nhiều người ưa chuộng. So với các loại bánh có thương hiệu lớn, bánh handmade có trọng lượng từ 200-300 gram giá chỉ có giá dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/chiếc…

Thế nhưng, do bánh Trung thu “handmade” là loại bánh làm thủ công, lại được rao chủ yếu là trên mạng internet, nên vẫn thường trực nguy cơ về ATTP, nguồn gốc xuất xứ, khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Theo các cơ quan chức năng, các loại bánh “handmade” thường được làm với quy mô nhỏ, không đăng ký với cơ quan chức năng và chủ yếu bán qua mạng nên rất khó kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thị trường bánh trung thu 2019: Khó kiểm soát chất lượng bánh “handmade” và nhập khẩu? - Hình 3

Tổng cục Quản lý thị trường  cho hay sẽ chú trọng kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Để kiểm soát loại bánh trung thu handmade, ngay từ những ngày đầu tháng 8/2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh phải tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất bánh trung thu tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Tại công văn này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng nêu rõ: "Chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm (handmade) không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ"…

PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm cho biết, để làm ra một chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, trong khi bánh được chế biến với nhiều công đoạn khác nhau từ thủ công đến máy móc công nghiệp tại hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ. Do bánh trung thu handmade hạn sử dụng ngắn nên khả năng có các hóa chất độc hại (như chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật…) có thể không cao nhưng do làm thủ công vẫn nên có thể có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng...)

“Hiện cũng không thể nói là bánh trung thu handmade có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Người sản xuất bánh không phải ai cũng nắm rõ được những quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng nên tổ chức lấy xác suất một số mẫu bánh trên thị trường để xem có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, nếu không an toàn phải cấm lưu hành”, PGS. Thịnh nêu ý kiến.

Ông Thịnh khuyến cáo: "Người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm bánh trung thu có xuất xứ rõ ràng, đừng chỉ vì ham giá rẻ, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn mà mua những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe…".

Bánh "nội địa" Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Khác mọi năm, các sạp hàng, cửa hàng nhỏ đang ngập tràn bánh trung thu nhập khẩu. Theo chị Hoa, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, năm nay bánh từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore… được nhập về rất nhiều.

Trong đó, loại bánh Trung Quốc có nhiều kích cỡ khác nhau, từ "mini" tới khổng lồ, giá dao động với biên độ rất rộng, từ 3.000 đến 70.000 đồng một cái.

“Năm nay, trên mạng, loại bánh trứng chảy khá sốt nên tôi cũng nhập loại bánh này về bán”, chị Hoa nói.

Thị trường bánh trung thu 2019: Khó kiểm soát chất lượng bánh “handmade” và nhập khẩu? - Hình 4Thị trường bánh trung thu 2019: Khó kiểm soát chất lượng bánh “handmade” và nhập khẩu? - Hình 4

Loại bánh Trung Quốc được bày bán tại các cửa hàng và trên mạnh Internet

Theo ghi nhận, ngoài bán tại các sạp, loại bánh nhập khẩu này còn được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội với rất nhiều chủng loại, giá thành...

Theo cơ quan quản lý thị trường, hiện nay, thị trường bánh trung thu tràn lan hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Do đó, người tiêu dùng khi mua cần tìm hiểu kỹ để tránh mất tiền oan.

Mới đây nhất là vụ việc, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 4.400 bánh trung thu nhân “tan chảy” không có hóa đơn chứng từ tại Yên Sở, Hoàng Mai.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, sau dịp Tết Trung thu sẽ kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mại hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Trong trường hợp phát hiện vi phạm sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để truy xuất nguồn gốc, đình chỉ lưu thông sản phẩm góp phần bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Diễm Lệ