Ảnh minh họa
Đối với phân khúc nhà ở, tác động của đại dịch đã khiến thị trường chững lại nhưng với lực cầu lớn, đồng thời được coi như nhu cầu thiết yếu, giới chuyên gia cho rằng, sự sôi động của phân khúc này sẽ sớm trở lại ngay sau khi Việt Nam và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh.
Thậm chí ngay trong đại dịch, khi có nhu cầu về nhà ở cao, giao dịch vẫn diễn ra dù không sôi động.
Theo số liệu quý I/2020 của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch đạt 1.307 sản phẩm. Còn tại TP HCM, có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm.
Thực tế, trên thị trường hiện nay, nhiều người dân vẫn tiếp tục tìm kiếm nhu cầu nhà ở. Bởi cũng như việc ăn uống để sống, có chỗ ở tốt được coi như là nhu cầu bức thiết đối với nhiều người.
Không chỉ người mua nhà ở thực, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm bất động sản ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp, các dự án có pháp lý rõ ràng, thiết kế theo tiêu chuẩn cao cấp.
Ngoài dịch bệnh, điều khiến giới chuyên gia lo ngại, doanh nghiệp đau đầu "kinh niên" đó là là vấn đề khan hiếm nguồn cung. Vấn đề này được đưa ra đề cập, mổ xẻ rất nhiều trong năm 2019 và sang 2020, đây vẫn là nút thắt lớn.
Việc khan hiếm nguồn cung chủ yếu do Nhà nước kiểm soát và cấp phép chặt chẽ. Không chỉ thiếu về số lượng, các dự án có không gian sống đầy đủ hệ sinh thái tiện ích, có cảnh quan càng không nhiều. Chỉ một vài chủ đầu tư có khả năng cung ứng ra thị trường các dự án “tất cả trong một” nên cầu càng khó được thoả mãn.
Khan hiếm nguồn cung là một trong những lý do lớn khiến giá bất động sản không lao dốc như nhiều người “tưởng tượng” trong bối cảnh đại dịch. Ở thời điểm này, thị trường không đối mặt với cơn khủng hoảng thừa như thời kỳ trước.
PV