Hiện này, trên thị trường có đa dạng mẫu mã và sản xuất rượu, bánh kéo nhập khẩu từ nhiều nước như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan… Thường những sản phẩm trên có giá thành cao hơn so với sản phẩm trong nước, nhất là các dòng bánh cao cấp.

Lợi dụng tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… rồi dán mác “ngoại” lừa người tiêu dùng. Những hộp bánh nhái, rượu giả với thương hiệu nổi tiếng được làm rất giống với hàng thật, có màu sắc bắt mắt, tương tự, rất khó để có thể phân biệt với hàng chính hãng.

Tình trạng này khiến không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thấy mệt mỏi, đau đầu mà nhiều người tiêu dùng cũng cảm thấy bức xúc do mua phải.Thị trường rượu, bánh kẹo giả ngày càng tinh vi khó lường - Hình 1

Nhiều sản phẩm bánh có thương hiệu bị nhái (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, nhiều năm qua các thủ phủ của bánh kẹo giả nhái các nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng được biết đến chính là La Phù (Hoài Đức - Hà Nội) hay Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Tại đây, cứ mỗi đợt ra quân lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều xe và cơ sở chế biến, đóng bao bì các loại bánh kẹo giả.

Thị trường rượu, bánh kẹo giả ngày càng tinh vi khó lường - Hình 2

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại buổi họp báo

Cụ thể, trong năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508  triệu đồng. Vào ngày 2/1/2019 cơ quan chức nắng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, bắt giữ một xe ô tô vận chuyển 854 chai rượu do nước ngoài sản xuất, không có giấy tờ hợp lệ; Ngày 14/1/2019, lực lượng chức năng tỉnh Đà Nẵng bắt giữ hơn 600 chai rượu loại 750 ml của các nhãn hàng nổi tiếng, tất cả không có tem nhập khẩu…

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh phát biểu vào ngày 22/1, tại buổi họp báo chuyên đề về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia: “Hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi… Trong thời gian sản xuất, kinh doanh hàng giả tiếp tục lan tràn. Không phải lực lượng quản lý thị trường và cơ quan chức năng không biết nơi đâu sản xuất hàng giả, thực ra là biết. Tuy nhiên, từ biết đến xử lý có triệt để được hay không, vẫn còn có khó khăn trong kiểm tra, xử lý”.

Cũng theo ông Linh vấn đề an toàn thực phẩm luôn là chủ đề nóng, nhất là dịp cận tết, việc buôn bán vận chuyển gia súc gia cầm, bánh kẹo không nhãn mác không đảm bảo an toàn thực phẩm thường ở các khu chợ tạm, đông dân cư.

Thị trường rượu, bánh kẹo giả ngày càng tinh vi khó lường - Hình 3

Để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng nên đến những cơ sở, đại lý bánh kẹo có uy tín để mua 

Trên thực tế, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại rượu giả, bánh kẹo giả thậm chí bim bim dành cho trẻ em cũng bị làm giả, nhái nhãn mác từ thành phố đến vùng quê. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin hoặc nhãn mác giống nhau gần tương đương, các đối tượng lợi dụng cận tết để bán cho người dân.

Do vậy, để tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe, thiết nghĩ bản thân người tiêu dùng cần thận trọng, chỉ mua, sử dụng những loại rượu, bánh kẹo… có đầy đủ tem nhãn, nơi sản xuất. Cùng đó, các cơ quan chức năng cũng cần thắt chặt quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu rượu, bánh kẹo…kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tránh để rượu giả, rượu lậu hoành hành trên thị trường.

Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy - Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 - 088.966.5389 Email: chuyendong389.thcl@gmail.com

Trang Nguyễn