Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hàng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung và dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn.

Ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn Nhà nước chỉ chiếm 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Ngoài vai trò là kênh huy động vốn, thị trường trái phiếu góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính.

TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế/năm. Ảnh minh họa KT
TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế/năm. Ảnh minh họa KT.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 05 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.

“TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu và thị trường vốn còn nhiều dư địa phát triển”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.

Ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating) phân tích: Thị trường TPDN Việt Nam còn mới và quá non trẻ. Với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, những gì thị trường TPDN trong nước đang trải qua cũng là những "lỗi" mà các thị trường nói trên mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, bản thân thị trường không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên.

“Hiện nay thị tường TPDN cần sẵn sàng 03 yêu cầu quan trọng gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm…”, ông Phùng Xuân Minh nêu ý kiến.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

“Cần phải chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Q.N (t/h)