Rơi vào im lặng (!)
Năm 2001 Thủ tướng chính phủ đã có QĐ số 1590/QĐ-TTg giải quyết khiếu nại liên quan đến một số ý kiến còn khúc mắc với nội dung “tổ chức thực hiện ngay QĐ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 59/CTKT ngày 12/4/1989 về việc tặng Bằng Tổ quốc ghi côngcho gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Dần (Giần)”. Nhưng cho đến nay, UBND TX. Sơn Tây vẫn chưa trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sỹ?
Bằng Tổ quốc ghi công vẫn nguyên hiệu lực
Năm 2012, nhiều báođã viết bài phản ánh, kiến nghị sớm trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Dần; thế nhưng, sau những bài báo ấy, UBND TX. Sơn Tây vẫn không có bất cứ hồi âm nào…?
Trao đổi với ông Nguyễn Nam Mộc (cháu của liệt sỹ Nguyễn Văn Dần), ông Mộc cho biết: Suốt mấy chục năm qua, bà Nguyễn Thị Huyền (vợ ông Nguyễn Văn Dần) và các con, cháu đã gửi đơn thư khẩn thiết đến UBND TX. Sơn Tây và các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị giải quyết dứt điểm việc trao Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Nguyễn Văn Dần cho gia đình - mà Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã cấp cho gia đình năm 1989. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng (?!).
Theo ông Mộc, từ năm 2008 trở về trước, các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), Tòa Hành chính - TANDTC… đã có nhiều văn bản trả lời thân nhân liệt sỹ Dần về vụ việc này. Theo đó, các cơ quan đồng tình với việc sớm thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, UBND TX. Sơn Tây vẫn chưa thực hiện?
Theo tìm hiểu, được biết,một số người dân địa phương phản ứng về cái chết của ông Dần, vì có thông tin cho là ông Dần theo địch. Tuy nhiên, những thông tin này chưa ai chứng minh được, những người có phản ứng không đưa ra được bằng chứng.Trong khi đó, sơ yếu lý lịch đảng viên của em trai ông Dần (ông Nguyễn Văn Tỵ, sinh năm 1929) khai năm 1974, cho thấy thể hiện phần khai có “Anh 2: Nguyễn Văn Giần (còn gọi là Dần-PV), sinh năm 1927. Bộ đội chống Pháp, chết năm 1954”.
Làm rõ trách nhiệm!
Trong đơn thư đề nghị khẩn thiết của bà nguyễn Thị Hòa (SN 1949, số 5, phường Lê lợi, TX. Sơn Tây, Hà Nội, con gái ông Dần) gửi UBND TX. Sơn Tây, cónêu: “Ông Dần tham gia kháng chiến từ năm 1943, qua nhiều nhiệm vụ, đơn vị... Năm 1951, tham gia hoạt động bí mật cho Tỉnh đội Sơn Tây; đến năm 1954, bị Pháp phục kích bắn chết trong khi đi làm nhiệm vụ Tỉnh đội giao…”.
Bà Nguyễn Thị Hòa, con gái liệt sỹ Nguyễn Văn Dần
Bà viện dẫn: “Con trai ông Dần là Nguyễn Mạnh Hải, vào quân đội, tham gia chiến đấu chống Mỹ, đã anh dũng hy sinh năm 1970, được công nhận là liệt sỹ.Không lẽ, nói bố tôi theo địch mà còn gọi anh trai tôi vào bộ đội, rồi các chú, các bác tôi có người tham gia bộ đội, công an...?”.
Năm 1992, Bộ LĐ-TB&XH đãcó Báo cáo gửi lên Thủ tướng về trường hợp của ông Dần “đủ điều kiện xác nhận là liệt sỹ”.
Liên quan đến ông Dần, tại Báo cáo số 25/LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ngày 8/7/2008, gửi lên Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: “Đến nay, không có tình tiết, chứng cứ mới bổ sung”, từ đó Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho tổ chức thực hiện QĐ số 1590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào thời gian tích hợp”. Nhưng rồi, ý kiến này sau đó không được UBND TX. Sơn Tây triển khai thực hiện?
TANDTC đã có Văn bản số 50/HC (ngày 03/5/1997) trả lời đơn thư của bà Nguyễn Thị Huyền (vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Dần, nay đã mất): “... Qua nghiên cứu đơn thư và các tài liệu kèm theo, Tòa hành chính, TANDTC được biết, QĐ số 59/CT-KT ngày 12/41989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc công nhận chồng bà là liệt sỹ, tặng cho gia đình bà Bằng Tổ quốc ghi công, từ khi ban hành đến nay vẫn giữ nguyên hiệu lực, ngoài Thủ tướng Chính phủ, không ai có quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi quyết định này”...
Hy vọng, sau bài báo này, sẽ có tiếng nói công tâm nhất: Hãy trả lại đúng vị trí cho liệt sỹ Nguyễn Văn Dần; có thể truy cứu trách nhiệm liên quan của các vị chủ tịch UBND TX. Sơn Tây tiền nhiệm và đương nhiệm.
Linh Tuệ