Tổng Thư ký Liên Hợp quốc nhấn mạnh, thế giới đang bước vào “một thời đại hỗn loạn” khi xung đột xảy ra ở nhiều khu vực. Trong năm mới, điều duy nhất thế giới còn thiếu trầm trọng chính là “hòa bình ở mọi khía cạnh”.

“Hòa bình là lẽ sống của chúng ta. Tuy nhiên, khi tôi quan sát toàn cảnh thế giới ngày nay, điều duy nhất còn thiếu trầm trọng nhất là hòa bình. Khi các cuộc xung đột diễn ra gay gắt và sự chia rẽ về địa chính trị ngày càng gia tăng, hòa bình trên thế giới của chúng ta đang bị đe dọa. Khi sự phân cực ngày càng sâu sắc, hòa bình trong cộng đồng bị suy yếu, sự bất bình đẳng bùng nổ, hòa bình với công lý bị tan vỡ. Trên toàn cầu và trong nhiều vấn đề khác nhau, hòa bình là mảnh ghép còn thiếu. Người dân mong muốn hòa bình và an ninh.”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Nguồn: Eco-Bussiness.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres. Nguồn Eco-Bussiness.

Theo người đứng đầu Liên Hợp quốc, sự chia rẽ và xung đột địa chính trị đã gây ra tình trạng rối loạn chức năng trong Hội đồng Bảo an – cơ quan được xem là nền tảng chính để giải quyết các vấn đề về hòa bình toàn cầu. Điều này khiến tình trạng rối loạn chức năng trong Hội đồng Bảo an ngày càng sâu sắc và nguy hiểm hơn hơn bao giờ hết.

Ông kêu gọi cập nhật các phương pháp làm việc mới của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm đạt được thỏa thuận ngay cả khi các thành viên bị chia rẽ và trao cho lục địa Châu Phi một ghế thường trực tại cơ quan này.

“Nếu các quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến chương thì quyền của mọi người sẽ được ưu tiên. Tất cả mọi người đều được hưởng một cuộc sống hòa bình và nhân phẩm sẽ được đảm bảo. Nhưng các chính phủ đang phớt lờ và phá hoại chính những nguyên lý của chủ nghĩa đa phương  mà không có trách nhiệm giải trình.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc – nền tảng chính cho các câu hỏi về hòa bình toàn cầu – đang bị bế tắc bởi những rạn nứt địa chính trị. Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng bị chia rẽ. Nhưng đó là điều tồi tệ nhất. Sự rối loạn chức năng ngày nay ngày càng sâu sắc và nguy hiểm hơn”, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề an ninh và hòa bình thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc cũng kêu gọi đẩy mạnh các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, thế giới cần tạo hòa bình với hành tinh một phần bằng cách cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030. Và đây chính là một trong những ưu tiên của Liên Hợp Quốc trong năm 2024.

Tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp quốc đưa ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận nhiều điểm xung đột bùng phát trên thế giới, trong đó có điểm nóng xung đột ở Gaza. Cùng với xung đột là tình trạng khí hậu bất thường tại nhiều nơi trên thế giới. Năm qua, thế giới liên tục nhận được những cảnh báo của các cơ quan khí hậu thế giới về tình trạng khí hậu cực đoan, đặc biệt là tình trạng nắng nóng toàn cầu.

Mới đây nhất, hôm qua đại diện cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết: Trái Đất đã trải qua 12 tháng có nền nhiệt cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Với sự thúc đẩy của hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng trên khắp hành tinh, khiến năm 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong 100 nghìn năm qua.

Đây chính là một lời cảnh báo rằng thế giới đang tiến nhanh hơn dự kiến tới mốc 1,5 độ C - mức giới hạn được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo VOV.vn