
Theo thông báo của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, hai sản phẩm đầu tiên bị đình chỉ và thu hồi là:
Super Shine Biocell Mask (nhãn hàng Episoo); Số lô: MFG12032025/L01
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm: Công ty TNHH Shynh Beauty (Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP.HCM). Đơn vị sản xuất: Công ty Cổ phần Mỹ phẩm HNB (Xã Long Hậu, Huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An).
Muối tắm dừa & sữa gạo (nhãn hàng S-White); Số lô: DE024; ngày sản xuất: 09/4/2025; hạn sử dụng: 09/4/2027. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm: Công ty TNHH Shynh Beauty
Đơn vị sản xuất: Công ty TNHH Dược – Mỹ phẩm Neidi Việt Thái (Phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân, TP.HCM).
Cả hai sản phẩm bị thu hồi do nhãn ghi chứa các nội dung có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng đây là thuốc điều trị hoặc có công dụng tương tự thuốc, vi phạm quy định quản lý mỹ phẩm.
Hai sản phẩm bị thu hồi vì không đạt chất lượng và sai công thức.
Ngoài ra, hai sản phẩm khác cũng bị đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu hồi là: Keratin Conditioner – chai 800ml; số lô: 230225; ngày sản xuất: 23/2/2025; hạn sử dụng: 23/2/2028; số tiếp nhận phiếu công bố: 46/23/CBMP-HD.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm và sản xuất: Công ty TNHH Hóa Mỹ phẩm Hồng Đạt (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật.
Shin Nee Premium Cleansing Foam (nhãn hàng Shin Nee); số lô: 24I0302; hạn sử dụng: 02/9/2027; số tiếp nhận phiếu công bố: 142695/21/CBMP-QLD. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm: Công ty TNHH Shynh Beauty. Đơn vị sản xuất: Hanacos Co., Ltd, Hàn Quốc.
Lý do thu hồi: Công thức lưu hành không đúng với hồ sơ đã công bố.
Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng yêu cầu: Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm tỉnh, Phòng Y tế các huyện, thành phố, các cơ sở kinh doanh, bán buôn – bán lẻ thuốc và mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh… ngưng ngay việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm vi phạm nêu trên. Đồng thời, yêu cầu tiến hành thu hồi và trả về nhà phân phối các lô sản phẩm. Quá trình thu hồi phải được hoàn tất và gửi báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 30/6/2025.
Đây là động thái tiếp theo cho thấy sự siết chặt giám sát và hậu kiểm mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước các nguy cơ từ sản phẩm kém chất lượng, sai phạm về thông tin ghi nhãn và công bố thành phần.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng từng cảnh báo về tình trạng mỹ phẩm “gắn mác điều trị”, quảng cáo mập mờ như thuốc, gây hoang mang và rủi ro cho người sử dụng. Việc cơ quan quản lý nhanh chóng phát hiện, thu hồi và xử lý là cần thiết để lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, nhất là trong bối cảnh thị trường phát triển nhanh và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Nguyễn Kiên (T/h)